Tin đào tạo du lịch

Phát triển nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL: 3 nhà, 5 tại chỗ

Ngày 22/4, tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM đã chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh An Giang, Trường CĐ VHNT&DL Sài Gòn tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng ĐBSCL”.

Tham dự chương trình có gần 200 đại biểu là lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ VHTTDL; đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL… Ông Lê Văn Hùng, Phó vụ trưởng, Q.Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM chủ trì hội nghị.

Qua báo cáo thống kê của các Sở VHTTDL các địa phương trong vùng, năm 2000 lực lượng lao động trực tiếp trong ngành là 5.956 người, đến cuối năm 2012 là 23.509 người (tăng 3,95 lần). Nếu tính 5 năm vừa qua (từ 2008-2012), nhân lực du lịch ĐBSCL tăng 1,35 lần. Hiện nay, trung bình mỗi năm có gần 20 triệu lượt khách du lịch đến với ĐBSCL, với nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu để phát triển du lịch của vùng. Trong khi theo TS Nguyễn Văn Lưu, Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL cho biết, nhu cầu về nhân lực tại thời điểm năm 2020 của 13 địa phương trong ngành du lịch ĐBSCL sẽ khoảng 208.000 người; trong đó có 75.400 lao động trực tiếp và trên 132.000 lao động gián tiếp. Đây là một yêu cầu đòi hỏi rất “khổng lồ” đúng theo nghĩa đen của từ này.

Để đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội mà cụ thể là vùng ĐBSCL, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT TP.HCM đề cập vấn đề nên đẩy mạnh công tác đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực theo mô hình “3 nhà”: Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao tính đồng bộ trong công tác đào tạo-sử dụng-phát huy và tạo ra những phương thức năng động để sớm thực hiện “chuẩn hóa” đội ngũ nhân lực ngành du lịch, đáp ứng kịp mọi yêu cầu phát triển năng động của ngành trong thực tế…

Bên cạnh đó, qua nhiều bài tham luận của các đại biểu gửi về hội thảo, nổi bật lên ý kiến cho rằng nguồn nhân lực ngành du lịch vùng ĐBSCL cần phát triển dựa trên phương châm “5 tại chỗ” bao gồm: Tuyển dụng, đào tạo, thực hành, sử dụng và phát triển tại chỗ. Theo đó, các địa phương cần đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động du lịch và liên quan du lịch tại khu, điểm du lịch của địa phương mình. Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch cần được đa dạng hóa theo yêu cầu của kinh tế thị trường…

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lê Văn Hùng, Phó vụ trưởng, Q.Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM cho rằng, các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL là một vấn đề rất lớn và cấp thiết.

Đây là một công việc khó khăn và lâu dài không chỉ có Chính phủ, ngành VHTTDL thực hiện mà cần có sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy du lịch… Qua các bài tham luận tâm huyết mà các đại biểu trình bày trực tiếp cũng như gửi về hội thảo, Ban tổ chức sẽ đánh giá chính xác hơn thực trạng hoạt động để từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và cơ cấu nhân lực phù hợp với yêu cầu thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của vùng ĐBSCL và cả nước nói chung...

(
Nguồn: Báo Văn hóa)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *