Tin đào tạo du lịch

An Giang đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch

Bình quân mỗi năm, An Giang đã đón trên 5 triệu lượt khách đến hành hương, tham quan, du lịch.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng tăng nhanh về số lượng và quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và giải trí ngày càng cao của xã hội, sự cạnh tranh trong nước và khu vực trong lĩnh vực du lịch ngày càng trở nên gay gắt, do đó yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác du lịch là vấn đề cần được quan tâm đầu tư đúng mức.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh An Giang nói chung, nguồn nhân lực du lịch của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nói riêng đã có bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ lao động ngành Du lịch tăng lên, chất lượng bước đầu có sự cải thiện. Tuy nhiên, so với nhu cầu của hoạt động du lịch hiện nay và yêu cầu phát triển trong những năm tới thì nguồn nhân lực du lịch của tỉnh An Giang còn vừa thiếu về số lượng, vừa không đảm bảo về chất lượng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành Du lịch vẫn còn thấp, lao động hiện tại có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao và cán bộ giỏi về quản lý và điều hành kinh doanh du lịch.

Trong những năm vừa qua, ngành đã tổ chức đào tạo nghề theo quy định của ngành chủ yếu tập trung vào 13 kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS). Từ năm 2000 đến 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đã phối hợp với các trường đào tạo về nghiệp vụ du lịch ở TP. Hồ Chí Minh như: Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn, Trường Nhân lực Quốc tế TP. Hồ Chí Minh và các trường có chức năng đào tạo dạy nghề trong và ngoài tỉnh (Cao đẳng nghề An Giang…) tổ chức 54 lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch cho 2.093 học viên (mở rộng cho các học viên ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh, Thốt Nốt…) với các lớp thuyết minh viên tại điểm, nghiệp vụ du lịch cộng đồng, quản lý khách sạn - nhà hàng, nghiệp vụ phục vụ bàn, nghiệp vụ phục vụ buồng, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ bếp, văn minh thương mại-du lịch, văn hóa du lịch, quản lý du lịch, lễ tân ngoại giao, lễ tân hải quan, tập huấn bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch,…và tổ chức 15 cuộc hội thảo về du lịch.

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp lãnh đạo tỉnh An Giang và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp như trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đang xây dựng đề án “Đào tạo, dạy nghề trong lĩnh vực du lịch cho thanh niên - sinh viên An Giang chưa có việc làm giai đoạn 2013-2017”, nhằm từng bước tạo điều kiện thuận lợi giải quyết việc làm cho các thanh niên, sinh viên của tỉnh có được việc làm ổn định tham gia làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang cũng đang xây dựng Đề án thành lập Trường trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang trình UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó, góp phần hình thành đội ngũ có trình độ về nghiệp vụ chuyên môn du lịch, điều hành quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ,… để du lịch An Giang phát triển đúng tầm, đúng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có.

Qua khảo sát thực tế do nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch tỉnh An Giang, từ năm 2012- 2020, các đơn vị đã đăng ký với 23 lớp đào tạo và gần 500 học viên. Trên cơ sở này, năm 2013 và những năm tiếp theo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang sẽ phối hợp với các trường đào tạo về nghiệp vụ du lịch tổ chức đào tạo các lớp, như: Nghiệp vụ pha chế thức uống; các lớp tiếng Anh giao tiếp dành cho lễ tân, phục vụ bàn, phục vụ buồng tại nhà hàng - khách sạn; lớp tập huấn du lịch cộng đồng (homestay); lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch phục vụ trên phương tiện thủy nội địa; lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các tài xế, lái xe tham gia vận chuyển khách du lịch đường bộ; quản lý nhà hàng- khách sạn...

Với các giải pháp trên, sẽ giúp ngành Du lịch địa phương đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, số lượng, phù hợp về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh và hội nhập quốc tế. Hoạt động này cũng góp phần tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực dịch vụ du lịch, theo đúng định hướng mà Nghị quyết Tỉnh ủy đã ban hành về đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

(
Nguồn: vhttdlkv3.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *