Tin du lịch

Thung lũng những người sống trên trăm tuổi

Tây Bắc có - thiên - đường, tôi biết điều ấy khoảng 15 năm về trước, đó là một vùng thung lũng cẩm tú ẩn mật lửng lơ lưng chừng trời bốn mùa sương phủ.

Cư dân người Thái, người Mông nơi này vạm vỡ, gieo ngô trên những sườn đồi dốc thót ruột, đi săn trong các vạt rừng ken dày cổ thụ ăn về tận thang gác nhà sàn.Và sống hàng thế kỷ. Có người đã sống qua tuổi 120.

Thung lũng những người sống trên trăm tuổi

 

1. Không rõ vì sao tôi lại tìm thấy Mường Quên Lãng trong những chuyến đi lang bạt dọc ngang miền Tây Bắc thời tuổi trẻ. Mường Quên Lãng, tiếng Thái là Mường Lựm thuộc huyện Yên Châu, Sơn La, muốn đến được nơi ấy phải đi theo đường 6, qua hết sườn dốc cao nguyên Châu Mộc, hỏi đường người bản xứ rồi bỏ lộ cái quan, rẽ phải, đi sâu thêm vào rừng thẳm chừng 20km thì sẽ đến.

Đã lâu lắm rồi, thời quan lang phìa tạo còn làm mưa làm gió xứ hoa ban, cả hai vùng Châu Mộc và Châu Yên mênh mông đều chưa hề biết đến sự tồn tại của Mường Lựm. Người nơi đây sống thầm lặng trong vạt rừng nách núi, xa cách với bốn phương. Đến một ngày đám lính săn của quan lang Châu Yên mải theo con nai trắng lạc trong Lúng Co Bưng (Lũng Cây Bương), tình cờ phát hiện ra những nếp nhà bé bỏng quần tụ bên nhau ở nơi này, họ về báo với quan, quan vào thu đất nhận người, đặt tên vùng cai trị thu tô, mộ phu mới là Mường Lựm, tức là mường-bị-bỏ- quên lâu nay trong dãy núi xa.

Ngày ấy, từ đường 6 vào Mường Lựm, tôi còn phải đi chặng xe ôm, chặng cuốc bộ trên cung đường ngược núi lầy lội vì sạt lở, càng đi càng hiểm trở, dốc đứng, rợn ngợp xuyên rừng hoang, luồn trong mây mù, đạp lên lá mục. Đến nhà sàn trưởng bản, đặt ba lô xuống và hỏi rằng, nếu được ở nhờ nơi này thì phải tránh điều cấm kỵ gì? Trả lời: Không nên đến gần nơi thờ ma xó, đó là góc thiêng của mỗi gia đình, vậy thôi.

Thung lũng những người sống trên trăm tuổi

Đêm xuân ấy, tôi được nếm món canh hến sông Đà nấu hoa ban Tây Bắc ngon tới tận tương lai, rồi trưởng bản đánh chiêng đánh trống gọi người đến cùng xòe bên bếp lửa, bên những gương mặt dần sáng hơn rượu, nồng nàn hơn rượu. Khi bình minh lên, tôi đã gặp rất nhiều người già cả nơi này như những gốc cây rừng biết đi biết đứng; nắm những đôi bàn tay thô ráp, khô lạnh như từ lâu lắm rồi máu không còn chảy dưới da của họ.

Thời ấy, thung lũng Mường Lựm có khoảng 10 người người sống trên trăm tuổi và khoảng 30 người đang ở lứa tuổi 90 tới 100, có những người đã có cả trăm cháu chắt như các cụ Hà Văn Khoong, Hoàng Quảng Inh, Lò Thị Huôi, Quàng Văn Sướng, Hà Phong Váng, Hoàng Thị Xé… Đồng nghiệp Đỗ Doãn Hoàng về sau này cũng đã đặt chân đến Mường Lựm và hoàn thành một phóng sự có tiêu đề đến nay tôi vẫn nhớ: “Thung lũng tu tiên”.

2. Mường Lựm có riêng một huyền thoại. Chuyện xưa kể rằng, nơi này có cô con gái mồ côi cha, càng lớn càng xinh đẹp khả ái, rất nhiều người theo đuổi. Một hôm, cô đi tắm ở mạn sông Đà, vừa về đến đầu bản thì thấy một bóng trắng bám theo. Hóa ra là một chàng trai hào hoa, áo quần trắng tinh, đến tận nhà làm quen; dần dà, hai người tâm đầu ý hợp.

Chuyện chưa đâu vào đâu thì bỗng một hôm chàng áo trắng bị đám trai bản ghen ghét lén bỏ lá độc vào bát nước cho đứt ruột mà chết. Không ai rõ chàng từ đâu mà đến, chỉ biết đó là người khách lạ đầu tiên nằm chết ở đây. Ít ngày sau, trai tráng săn được một con nai trắng, cả bản chia nhau, riêng cô gái cùng mẹ đi nương nên không ăn thịt. Đêm ấy, vạt rừng quanh bản có nhiều tiếng than khóc: “Các ngươi đã giết con trai vua Thủy Tề rồi”.

Gần tảng sáng, một tiếng nổ long trời lở đất, đất đá bay mù mịt, cây lớn đồng loạt bật tung, toàn bộ thung lũng sụt xuống như bị ai dìm xuống hố sâu vô tận. Cả bản hoảng loạn bỏ chạy, nhưng không ai thoát khỏi được miệng vực đang lở xuống. Riêng cô gái vừa chạy vừa lôi mẹ mình theo bóng một chàng trai mặc quần áo trắng tinh và một con nai trắng vừa chạy vừa tác liên hồi dẫn đường. Đến mép bản thì vạt áo Thái phía sau của cô gái bị cành cây móc chặt. Bỗng dưng con nai biết nói tiếng người, quay lại bảo cô xé cụt vạt áo phía sau đi mà chạy. Cô gái làm theo và đẩy mẹ lên vách núi, nơi đất lở không phạm tới.

Thung lũng những người sống trên trăm tuổi

Hồi kết của câu chuyện là khi thảm họa qua đi, chàng trai con vua Thủy Tề và cô gái quay về Mường Lựm sống bên nhau đến đầu bạc răng long, đem lại sự tái sinh vĩnh cửu cho thung lũng bây giờ. Vùng đất sụt xuống và biến mất ngày ấy giờ là hồ Lốm nằm chính giữa thung lũng lạ lùng này, nhiều đời chưa bao giờ cạn nước, còn tất cả các cư dân người Thái hiện nay của Mường Lựm đều mặc trang phục cổ truyền cộc vạt phía sau, thoáng trông như vừa bị ai giật đứt.

Bây giờ đi Tây Bắc không còn vất vả như chục năm về trước nữa, chúng tôi có thể dùng xe giường nằm, chạy 5-7 tiếng là đã vượt qua cao nguyên Châu Mộc. Bạn vong niên Đào Quang Tố đón chúng tôi ở cửa ngõ vào Mường Lựm. Đất Yên Châu này năm 1955 xảy ra thảm họa hổ, trong vòng 2 năm đã vồ chết gần 100 người. Châu ủy đã huy động bộ đội địa phương, du kích, thanh niên xung kích săn lùng diệt hổ, chỉ tính đến cuối năm 1957 đã tiêu diệt tới 49 chúa sơn lâm, dân mới tạm sống yên.

Trên sân thượng nhà ông Tố bây giờ đặt bàn thờ một người nữ thanh niên xung phong miền xuôi lên Yên Châu thì bị hổ vồ ăn thịt. Ông cũng là một người như thế, năm 1961, khi 17 tuổi, ôm ấp khát vọng văn chương đã xung phong đi xây dựng Tây Bắc theo “tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, rồi trở thành thầy giáo bản vùng này. Ông bày tỏ lòng biết ơn vì tôi đã đánh thức lại cả một giấc mơ văn chương tưởng như đã lãng quên đi trong những lần gặp gỡ mười mấy năm về trước, bằng một ngôn ngữ hài lòng. Hàn huyên đêm Yên Châu trong tiếng mưa rừng xối xả, chúng tôi ngủ một chút rồi chờ tới non trưa để vào Mường Lựm, sau khi nắng đã hong khô bớt đất bùn trên các cung đường dốc đứng.

3. Nhà Hoàng Kim Phong nằm gần ngay lối rẽ xuống thung lũng Mường Lựm, đầu ngõ trồng vui dăm cây đào rừng đang rụng đầy quả chín xuống mấy vạt lúa non. Ông Phong người Thái, sinh năm 1947, làm lãnh đạo Viện KSND huyện từ 1983, mới nghỉ hưu được 2 năm. Ông bảo đời ông chưa hề bị một bản kiểm điểm nào, chưa hề bị một cử tri nào chất vấn khi họp HĐND: “Tôi xin nghỉ sớm 2 năm để lấy 120 triệu mà người ta không cho, 62 - 63 tuổi rồi mới được nghỉ, bực ơi là bực. Ở đất huyện chân không chằng không bám, về quê mình thôi.

Hồi tôi mới sinh ở đây, bốn bề xung quanh là rừng, suốt cả mùa đông không nhìn thấy mặt trời. Sương mù dày lắm, phải lấy cỏ gianh ốp vào vách nhà làm bằng bương cho đỡ lạnh. Dạo ấy, tôi vẫn thấy dấu chân voi ở hủm nước Bua San; thường nghe tiếng kẻng báo động gọi đi săn gấu ăn ngô; khỉ, chuột, sóc, gà lôi đầy quanh rừng; cá từng vũng, từng vũng, thích thì dùng súng bắn, thích thì quăng chài, thoải mái”. Nghỉ hưu, ông Phong về lại bãi cỏ may của đất quê xưa, 80 dân quân chỉ từ 6h đến 9h sáng là dựng hoàn tất cái nhà sàn và bắt đầu cuộc sống mới.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Hà Đức Minh (sinh năm 1940) bảo rằng, lúc nào cũng thấy người ở đây lao động, lao động từ khi còn thơ bé và khâu vá, đan lát tới tận lúc lìa đời. Người già nhất mà ông biết là bà Hà Thị Xé, 121 tuổi, nay đã mất cùng nhiều người khác nữa trên trăm tuổi. Ông Chủ tịch không nhớ nhiều lắm, Phó Chủ tịch Hội Cà Văn Bương mới từ nơi khác về định cư nên cũng không nắm được gì nhiều.

Bạn đồng hành Đào Quang Tố đỡ lời rằng, những người thời ấy không phải lo lắng gì nhiều, người trước lo 10 phần, người nay lo 100 phần. Lo lắng tinh thần giờ gấp nhiều lần quá. Ở đây người ta tự tìm cây rừng chữa cho mình mỗi khi ngã bệnh; họ có niềm tin rằng mỗi người có tới 80 hồn ở các bộ phận trong cơ thể, nếu hồn ở bộ phận nào lưu lạc thì bộ phận đó sẽ sinh ra bệnh, thường đã cúng chữa bệnh thì hễ vuốt chỗ nào là khỏi đau chỗ ấy, thậm chí những cặp vợ chồng còn cúng xin con. Cộng với bầu không khí tuyệt đối sạch sẽ, đồ ăn thức uống hết sức an toàn đã tạo nên một thung lũng nhiều khác biệt. Chúng tôi phải tạm dừng câu chuyện để quay lại đường 6, bởi trên đầu cơn mưa rừng đang kéo đến.

Non trưa ngày hôm sau quay lại, cán bộ xã Quàng Văn Quyết đã đợi sẵn. Cha anh là cụ Quàng Văn Tủi, 95 tuổi, vừa mất dạo tháng 5. Nhà anh thịt một con trâu làm 3 ngày tang cho ngày chết, ngày ở, ngày đi, rồi hỏa táng. Giờ tro cốt cụ đã nằm lại trong rừng ma chung của bản, còn linh hồn có lẽ đã đến với Niết Bàn lớn (Liến Pán luống) theo tục lệ: “Ta cất bước vượt rừng hương thoảng/ Thẳng đường đến với Niết Bàn lớn lồng lộng/ Ấm áp trời quang quẻ/ Nơi trẻ mãi không già/... Lúa đầy đồng/ Cá chật sông/... Khăn piêu rực sào phơi/ Thêu ren hoa gối trắng...”.

Quyết dắt tôi đi thăm mẹ là cụ Quàng Thị Lả, sinh năm 1924. Hơn 90 tuổi nhưng bà đang chuốt nan đan gùi, trong những ngày tạnh ráo còn có thể đi nương. Lại dắt qua nhà thăm bà Hoàng Thị Nhưa, sinh năm 1917, đã 98 tuổi. Bà là mẹ của Hoàng Huy Thưởng - hiệu trưởng trường tiểu học Mường Lựm. Bà vốn là đội trưởng sản xuất, 55 tuổi đáng ra là đã hết tuổi lao động, nhưng ở đây không ai ngừng lao động, cho tới 90 - 100 vẫn đi làm, loanh quanh vườn tược, rừng ruộng. Anh Quyết kể, chính tay anh đã trao tặng rất nhiều lần tiền và lụa cho những người già ở Mường Quên Lãng.

Anh hối người nhà thịt vịt, làm bầu bí, đi vay gạo tẻ về thổi cơm vì đoán chúng tôi không ăn được gạo nếp, cơm đun bằng gỗ bách xanh thơm lạ thơm lùng. Vợ cả mất tháng 12 năm trước, đã lấy vợ mới, con út bị áp xe não, về Hà Nội mổ ở BV Bạch Mai, may mà chưa chuyển sang u, giờ cậu bé đi lại chầm chậm trong ngôi nhà sàn rộng gần 300m2 Quyết tự kéo gỗ rừng về dựng từ năm 1988.

“Tôi khổ mà…” - Quyết nói. “Mỗi người một phận, anh ạ” - tôi nói. Quyết ừ. Ngày nào Quyết cũng dậy từ 5h sáng thăm nom mọi việc trong nhà, đi làm việc xã, rồi thăm đồng, thăm rừng, thăm ruộng cho tới 7h tối mới về. Đôi bàn tay cứng cỏi của anh là rất đỗi bình thường so với người nơi này nhưng mạnh mẽ hơn hẳn so với chúng tôi. Lúa nương thơm, mắc kén cũng thơm, cầm tay tôi nâng chén, Quyết cười: “Sao bàn tay mày mềm như lụa thế này?!”. Trong không gian thơm sực hương rượu cất lẩu xiêu vương khói bếp vừa dụi lửa, tôi gặp lại cảm giác của những năm tháng xưa cũ trước đây, thấy mình là một vị quân vương nhỏ.

Tây Bắc có thiên đường, có lẽ tôi đã không nhầm lẫn về điều đó.

Khi chúng tôi đến, cụ bà Quàng Thị Lả (91 tuổi) vẫn đang ngồi chuốt nan. Cụ bà Hoàng Thị Nhưa 98 tuổi: “Đừng chụp ảnh nhiều quá, bà bị xấu hổ đấy!”. Người đàn ông chúng tôi gặp dọc đường này vốn là Chủ tịch xã Mường Lựm. Sau khi nghỉ hưu ông lại trở về với đồng ruộng như một người nông dân thực thụ.

 
Nguồn: Dân trí/Lao động

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *