Tin du lịch

Sớm chấn chỉnh khâu tổ chức ở điểm du lịch chùa Bái Đính và Tràng An

Trong những ngày xuân, có tới hàng chục nghìn lượt du khách đến Bái Đính và Tràng An, Ninh Bình mỗi ngày khiến hai địa điểm này thường quá tải, nhất là dịp cuối tuần. Đã có nhiều phản ánh của du khách về khâu tổ chức, bố trí phương tiện chở đò ở khu du lịch Tràng An, còn khu núi chùa Bái Đính thì phàn nàn về chuyện ô nhiễm môi trường và vệ sinh…

Những người làm dịch vụ trông giữ ô-tô, xe máy ở chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An cho biết, lượng khách du lịch đến đây đông vào các ngày mồng 5, mồng 6 và số khách nhiều nhất có lẽ là ngày 16,17 tháng Giêng năm 2014. “Có tới hàng nghìn xe ô-tô, trong đó lượng xe khách từ 24 đến 50 chỗ chiếm đa số” anh Chiến, nhân viên bảo vệ bến xe chùa Bái Đính nói. Còn khu sinh thái Tràng An, lượng người tập trung lớn ở bến đò khiến tình trạng mất an toàn, thậm chí ngã xuống nước ướt hết người chỉ vì chờ đò, gọi đò xô đẩy nhau, giành đò xuống trước.

Về khâu tổ chức tại khu vực chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An trong những ngày xuân có tới bốn đơn vị cùng quản lý. Đó là Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong cơ cấu tổ chức như vậy đã xuất hiện sự bất cập. Cụ thể là ba đơn vị gồm Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và chính quyền địa phương chỉ là người bảo vệ “vòng ngoài” còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là đơn vị trực tiếp tổ chức bán vé, bố trí nguồn nhân lực phục vụ chở đò cho du khách tham quan. Do kinh nghiệm chưa nhiều nên việc bán vé cho những người có nhu cầu tham quan không cân đối với số lượng đò làm dịch vụ chở khách. Khi có chiếc đò nào chuẩn bị cập bến thì cũng là lúc số khách trên bờ chen lấn cố để nhanh được xuống đò mới gây nên tình trạng du khách bị đẩy ngã xuống bến đò, nước ngập đến cổ ướt hết quần áo.

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cùng một lúc gánh hai vai. Một là với tư cách doanh nghiệp xây dựng cho nên đơn vị này trực tiếp là bên B chịu trách nhiệm thi công các hạng mục công trình từ vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch mà bên A là Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An thừa uỷ quyền của UBND tỉnh Ninh Bình ký hợp đồng với doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng là đơn vị tham gia vào lĩnh vực du lịch. Cụ thể là bỏ vốn xây dựng khu chùa Bái Đính từ đỉnh tới chân núi Đính (thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) và đầu tư một phần vốn vào khu du lịch sinh thái Tràng An.

Nét đặc thù của Khu du lịch chùa Bái Đính và Tràng An là vốn từ ngân sách Nhà nước xây dựng toàn bộ hạ tầng phía ngoài tường rào của khu du lịch Bái Đính đến đường quốc lộ 1A (Trung tâm TP Ninh Bình), cho đến nay khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng. Còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cùng với sự đóng góp của một số du khách, nhà hảo tâm xây dựng Khu chùa Bái Đính, bao gồm hệ thống chùa, hành lang La hán, tượng phật... Riêng Khu du lịch sinh thái Tràng An lúc đầu (khoảng năm 2004) là sự liên kết giữa ông Nguyễn Văn Son và Nguyễn Văn Trường (Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường) với mục tiêu khơi thông một số cửa hang tại Khu du lịch Tràng An để làm dịch vụ du lịch nhưng càng ngày số cửa hang phát hiện càng nhiều và vốn liếng của hai người không kham nổi cho nên mong có sự đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, đến nay khu du lịch sinh thái Tràng An có sự xen kẹp giữa vốn của doanh nghiệp và vốn Nhà nước. Điều này khác với Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) hay Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) là do doanh nghiệp tự bỏ vốn xây dựng gần như toàn bộ.

Cái khó của khâu tổ chức quản lý hiện nay là công trình chưa hoàn thành cho nên doanh nghiệp không thể bàn giao cho bên A (tỉnh Ninh Bình) những hạng mục Nhà nước đầu tư trong khi số lượng du khách đến tham quan ngày càng đông (năm 2013 khoảng 4,3 triệu lượt người, năm 2014 dự kiến khoảng 4,8 triệu lượt người trong đó hai khu Bái Đính và Tràng An chiếm khoảng 60%-70% số này). Còn việc xác định vốn của doanh nghiệp đầu tư vào khu du lịch sinh thái Tràng An cụ thể bao nhiêu để Nhà nước có thể thanh toán cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi cần một đơn vị kiểm toán độc lập mới thực hiện được.

Trong khi công trình chưa hoàn thành, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách. Đó là dịch vụ chở đò, dịch vụ xe điện, dịch vụ trông ô-tô, xe máy… toàn bộ các nguồn thu từ dịch vụ này do doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm quản lý, cho nên những lúc lượng khách tăng đột biến, các dịch vụ của doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thậm chí có lúc còn tỏ ra thiếu bài bản, luộm thuộm. Chẳng hạn, khi lượng khách đông số vé bán vượt quá số đò, khiến du khách túm tụm lại tranh nhau gọi đò. Có người còn kẹp tiền vào ngón tay vẫy để nhử đò vào đón. Hoặc do khách đông, đò chở quá số người quy định (chở sáu người lớn trong khi quy định chỉ có bốn người), tất cả các đò không thấy mang theo phao cứu hộ cho du khách trong khi lịch trình phải qua 11 hang động, có hang động hẹp chỉ đi một chiều với nhiều ngóc ngách là rất nguy hiểm.

Còn ở khu du lịch chùa Bái Đính những ngày đông khách, rác thải vương vãi quá nhiều trong khi lực lượng nhân viên vệ sinh mỏng không kham nổi công việc. Lại còn có chuyện vì lượng khách quá đông cho nên xảy ra trường hợp nam giới vào nhà vệ sinh nữ để “giải quyết nỗi buồn” và ngược lại.!

Các khu du lịch ở Ninh Bình nói chung và hai khu Bái Đính, Tràng An ngày càng được du khách trong nước và quốc tế quan tâm. Chính vì thế để tránh phức tạp cho công việc kiểm toán tại một số hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu Bái Đính và Tràng An, các ngành chức năng ở Ninh Bình cần phối hợp với doanh nghiệp Xuân Trường tổ chức kiểm toán (đối với những hạng mục có thể) nhằm xác định rõ vốn Nhà nước và vốn doanh nghiệp. Đối với những hạng mục doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư trong khi vốn Nhà nước chậm cũng cần xác định con số cụ thể.

Một mặt xác định con số cụ thể Nhà nước nợ doanh nghiệp bao nhiêu, mặt khác doanh nghiệp khai thác dịch vụ có nguồn thu đáng kể như hiện nay cần đóng góp cho ngân sách tương xứng với tiềm năng du lịch ở địa phương nhằm dần hoàn lại nguồn vốn Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và tuân thủ về in ấn vé theo quy định quản lý tài chính của Nhà nước.

Hai bến xe ở Tràng An và Bái Đính thuộc công trình Nhà nước đầu tư tuy chưa hoàn thành nhưng hiện nay đang có nguồn thu rất lớn thì cần có sự điều tiết lợi nhuận từ nguồn phí trông giữ xe ở đây. Đồng thời, dư luận cũng mong sự điều phối tỷ lệ giữa doanh nghiệp và Nhà nước về phí tham quan vì Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp các thung lũng trong khu vực Tràng An là rất lớn cho nên với 10% phí danh thắng Nhà nước được hưởng thì quá nhỏ so với tổng vốn đầu tư ở nơi này.

(Nguồn: NDĐT)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *