Tin du lịch

Đề xuất miễn thị thực thêm 6 nước

Ngày 16.7, tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề du lịch “Tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đà đột phá”.


Hội thảo thu hút rất nhiều chuyên gia về du lịch với nhiều tham luận, ý kiến xác đáng về thực trạng du lịch Việt Nam hiện nay và đề xuất những giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thời gian tới. Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Đồng chủ tịch Nhóm công tác du lịch VPSF, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel đã đưa ra các vấn đề trọng tâm đối thoại tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 và các mục tiêu của Diễn đàn.

Dự kiến, Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 diễn ra vào sáng ngày 31.7, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ và gần 1.000 đại biểu tham dự gồm lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và gần 800 doanh nghiệp. Chủ đề tập trung vào Chương trình hành động của khối kinh tế tư nhân ở 3 mũi nhọn: Kinh tế số, Du lịch và Nông nghiệp. Diễn đàn sẽ có đối thoại trực tiếp giữa các Bộ, ngành, địa phương và khối kinh tế tư nhân. Sau khi thảo luận, lãnh đạo Chính phủ sẽ kết luận các vấn đề cần thiết để tháo gỡ các vướng mắc.

Theo VPSF, về Tài chính đầu tư, chính sách công cho Du lịch đang vướng. Đầu tư cho xúc tiến, quảng bá du lịch quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực, chưa xứng đáng với một ngành kinh tế mũi nhọn và quá bất công với ngành Du lịch. Gần đây, một số ngành mới được Chính phủ quyết định miễn giảm lãi vay ngân hàng nhưng không có ngành Du lịch.

Nguồn nhân lực du lịch hiện nay cũng đang gặp vấn đề khi chúng ta có độ mở đào tạo rất tốt nhưng độ sẵn sàng trong hoạt động nghề lại đứng thứ 89 thế giới. Sản phẩm đã đào tạo ra không dùng được mà phải đào tạo lại và mới chỉ đáp ứng 27% nhu cầu hiện nay. Vấn đề môi trường du lịch (cả môi trường xã hội và tự nhiên) đều rất quan trọng để phát triển bền vững, vì thế cần có tiêu chí môi trường sạch và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai.

Ông Trần Trọng Kiên, đồng Chủ tịch Nhóm công tác Du lịch VPSF, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group cho biết: Năm 2017, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Việt Nam tăng 8 hạng về mức độ cạnh tranh, đứng thứ 67/136 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá. Có những chỉ số chúng ta được đánh giá rất tốt như chỉ số về tài nguyên văn hóa, tài nguyên tự nhiên, các chỉ số nhóm an ninh an toàn. Tuy nhiên, về độ mở thị thực, về các chính sách đầu tư cho hạ tầng du lịch chúng ta lại rất kém. Hiện nay, vấn đề xúc tiến, quảng bá là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng Du lịch Việt Nam hiện nay lại chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta mới đầu tư chưa đến 2 triệu USD/ năm để xúc tiến, rất nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có 10 tập đoàn lớn (Vietnam Airlines, Thien Minh Group, Vin Group, Mường Thanh, Saigontourist, Vietravel...) đã cam kết tự nguyện đóng góp 70 tỉ đồng (đã góp 30 tỉ đồng) để quảng bá du lịch Việt Nam đến năm 2020.

Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Nhóm công tác du lịch VPSF, Trưởng BTK Hội đồng tư vấn du lịch đưa ra những đề xuất về chính sách visa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam. Trong đó, VPSF đề xuất ngày miễn visa của khách (đang được miễn thị thực) tăng từ 15 lên 30 ngày. Các nước Tây Âu chúng ta đang miễn thị thực đều có mức chi tiêu trung bình cao, thời gian lưu trú lâu ở Việt Nam, vì thế đề nghị Chính phủ áp dụng chính sách miễn thị thực 30 ngày từ quý III.2017 thì chúng ta có thể kéo khách vào từ quý 4.2017. Đề nghị Chính phủ bổ sung thêm 6 nước được miễn visa: Úc, Canada, Hà Lan, New Zealand, Bỉ, Thụy Sỹ. Đây là những nước có mức lưu trú dài ngày, chi tiêu bình quân khoảng 1.200 USD/ lượt khách, không bộc lộ nguy cơ đối với an ninh hay lưu trú bất hợp pháp, được 170 quốc gia miễn thị thực.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa về thị thực nhập cảnh, quá cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam, cần bãi bỏ quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”; kéo dài chương trình miễn thị thực từ 1 năm lên 5 năm; thông báo miễn thị thực ít nhất trước 6 tháng.

Về chính sách thị thực điện tử cần nâng cấp trang web và cải thiện tốc độ truy cập; đổi tên miền “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” thành “evisa.gov.vn” và công bố rộng rãi để khách dễ tìm kiếm.

Chính sách thị thực quá cảnh nên áp dụng miễn thị thực quá cảnh 48-72 giờ đối với những hành khách có vé máy bay từ Úc đi châu Âu hoặc ngược lại.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất cần khai thông thị trường Ấn Độ, miễn thị thực cho công dân tới từ thị trường này và có những biện pháp xúc tiến. Ông Vũ Thế Bình cũng đề xuất cần có những chính sách khác như các chính sách về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xúc tiến là trách nhiệm của các doanh nghiệp nên không thể là tự nguyện mà phải xã hội hóa quản lý Quỹ, có quy định cụ thể việc doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ. Doanh nghiệp cũng cần chủ động trong công tác xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu. Có những việc, cơ quan quản lý nhà nước không làm thay doanh nghiệp được.

(Nguồn: Báo Văn Hóa Online)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *