Tin du lịch

Để du lịch Hà Nội xứng tầm

Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ngành du lịch Thủ đô đang phải vượt qua nhiều khó khăn để khẳng định vị thế tương xứng với tiềm năng.

Hội tụ đủ điều kiện

 

Hà Nội đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế bởi vẻ đẹp thanh lịch và cổ kính với các giá trị cảnh quan và văn hóa đặc biệt, trong đó phải kể đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, lễ Hội Gióng ở đền Phù Đổng - đền Sóc và nghệ thuật Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; bên cạnh đó là hệ thống các văn bia tiến sĩ thời Lê Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Năm 2008, Hà Nội được mở rộng gấp 3,6 lần diện tích cũ, đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành du lịch. Với gần 5.000 di tích, trong đó có 803 di tích được xếp hạng, đứng đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử, Hà Nội hội đủ điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, di tích lịch sử, tâm linh... Ngoài ưu thế về các di tích, danh thắng lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến, đây còn là vùng du lịch lý tưởng với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí. Thủ đô cũng là nơi tập trung hệ thống các đơn vị văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại, các nhà hát, bảo tàng lớn, hấp dẫn đối với du khách. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, Hà Nội luôn được các tạp chí về du lịch hàng đầu thế giới như: Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia tổ chức bình chọn vào tốp 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á.

 

Lợi thế trên giúp du lịch Hà Nội ngày càng phát triển, đủ sức kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Nếu như trước đây, tua du lịch khám phá Thủ đô chỉ gói gọn trong một ngày với những điểm đến "truyền thống" là: Hồ Tây, đền Quán Thánh, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, chợ Đồng Xuân, phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm bảo tàng và kết thúc là xem múa rối nước, thì nay hành trình đó được kéo dài hơn để du khách thỏa sức chiêm ngưỡng một vùng sơn thủy hữu tình với Ao Vua, Thác Đa, hồ Ngải Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, Vườn quốc gia Ba Vì, núi Tản Viên, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, chùa Hương...

 

Sự đa dạng sản phẩm du lịch còn được phát triển song song với mở rộng loại hình du lịch: tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng; chú trọng phát triển du lịch với bảo vệ tài nguyên, môi trường bằng các loại hình du lịch như: Du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch võ thuật, du lịch chữa bệnh... Sự thay đổi tích cực này đã giúp tăng trưởng về lượng du khách đến Hà Nội: lượng khách du lịch quốc tế 5 năm trở lại đây chiếm hơn 31% lượng khách đến Việt Nam, khách du lịch nội địa luôn dẫn đầu cả nước. Trong đó, lượng khách hằng năm vượt trung bình từ 18% đến 20%. Năm 2008, Hà Nội đón 1,3 triệu lượt khách; năm 2010 với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Năm Du lịch quốc gia Hà Nội 2010, lượng khách đến Hà Nội tăng mạnh, tổng số hơn 1,7 triệu lượt. Từ đó đến nay, Hà Nội vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng lượng du khách và năm 2014 đạt ngưỡng 3 triệu lượt khách.

 

Đột phá để phát triển

 

Mặc dù đã có những thành tựu, nhưng về tổng thể, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết và đòi hỏi một sự thay đổi lớn về cả tư duy và quy hoạch để phát triển. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Red Tours Nguyễn Công Hoan cho biết: "Thành phố nên định vị cụ thể chính sách ưu tiên, có tiêu chuẩn rõ ràng để hoạch định cả phát triển chung và phát triển ngành để tạo ra cơ chế thoáng, phù hợp với đặc thù du lịch". Rất nhiều thủ đô phát triển về du lịch trên thế giới đã làm tốt điều này như: Băng-cốc (Thái Lan), Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lay-xi-a)... Vì lẽ đó, Hà Nội cần liên tục ban hành các cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính để thu hút nguồn vốn xã hội hóa các sản phẩm du lịch từ đơn giản đến cao cấp. Trong đó, chú trọng hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí; ưu tiên, tập trung đầu tư các khu du lịch, dự án du lịch lớn tại các khu vực ngoại thành của thành phố.

 

Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực phải là yếu tố quyết định chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Phó Vụ trưởng vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Việc quy hoạch, đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm hết sức cấp thiết, cần phải tiến hành liên tục, thường xuyên một cách có hệ thống". Một mặt địa phương tự tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ cán bộ. Một mặt phối hợp với các tỉnh bạn và Tổng cục Du lịch để đào tạo đội ngũ cán bộ theo chương trình, dự án của ngành nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ ngang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp chủ động tự đào tạo để phục vụ cho nhu cầu của đơn vị. Ngành du lịch thủ đô cũng phải tăng cường và nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của các hoạt động quảng bá xúc tiến; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với các công ty lữ hành, các khách sạn để giảm bớt những phàn nàn về chất lượng và giá dịch vụ cung ứng cho khách, bảo đảm sự hài lòng và công bằng cho du khách.

 

Có những giải pháp thiết thực và thực hiện một cách bài bản, du lịch Hà Nội sẽ tạo được sự bứt phá, sớm khẳng định vị thế du lịch trong nước và quốc tế.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *