Điểm Du lịch

Lễ hội ở làng Đạm Nội

Làng Đạm Nội xưa, nay đã tách thành 4 thôn hành chính là khu 1, khu 2, khu 3 và khu 44, thuộc xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên. Làng cổ xưa có đình Đạm Nội là nơi thờ thần thành hoàng là Hựu Thiện Đại Vương và miếu thờ Quan Bà Thành Nương (Miếu Bà), tương truyền là thân mẫu Hựu Thiện Đại Vương.

Hàng năm, làng có 4 ngày tiệc, hội:

Mùng 7 tháng giêng – lễ cướp cờ

Rằm tháng giêng – tiệc trứng ngoài 

Mùng 10 tháng ba – tiệc đình

Mùng 9 tháng mười một – tiệc bánh dày.

Sự tích về các ngày lễ tiệc này ngày nay không ai còn nhớ chính xác nữa tuy vẫn thực hiện đều đặn hàng năm với các nghi thức tế lễ thông thường

1.Trước đây, mùng 7 tháng giêng là ngày hội lớn của làng, được tổ chức với nhiều hoạt động tín ngưỡng và vui chơi rầm rộ. Thường gọi là hội cướp cờ - nguyên do là người ta cho làm 3 lá cờ bằng giấy: 1 vuông ngũ sắc + 2 đuôi nheo.

Ba lá cờ này được buộc vào một cây tre dựng như cột nêu ở một gò đất giữa cánh đồng. Sau khi làm lễ ở miếu xong thì có hiệu lệnh cho phép cướp cờ, mọi người chạy xô ra đồng tới chỗ cây nêu, tranh nhau lấy cờ. Ai lấy được mang về nhà thờ coi như có nhiều tài lộc.

Ngày nay, người ta không dựng cột nêu giữa đồng nữa mà dựng ngay trước sân miếu. Không rõ tiệc và trò cướp cờ này có liên quan gì đến sự tích về các vị thần Hàng Hựu Thiện Đại Vương và Thành Nương Thánh Mẫu hay không. Tuy nhiên xét qua có thể thấy lễ cướp cờ là một nghi thức cầu phúc mùa xuân của cư dân nông nghiệp xưa.

Trước đây, người ta nói, trong lễ hội còn tổ chức rước kiệu từ đình ra miếu, từ miếu trở về đình, tế lễ rất rầm rộ với các hoạt động giao lưu văn nghệ và trò chơi dân gian như: Vật, chọi gà, chơi đu....Nay không còn thực hiện nữa.

2. Một tiệc tiêu biểu ở làng Đạm Nội với lễ vật dâng cúng có một món đặc biệt được gọi là trứng ngài. Tương truyền gắn với sự tích Thành Nương Thánh Mẫu đã dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Vì thế hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, dân làng lại làm trứng ngài để cúng Bà.

Trứng ngài rất đơn giản, được làm từ bột gạo nếp loại ngon, nặn nhỏ bằng đầu ngón tay cái, không nhân, luộc chín như làm bánh trôi, vớt ra sắp vào đĩa đặt lên mâm cúng và thực hành nghi thức tế lễ.

Người ta có câu “Gái Kẻ Cánh, bánh Tiền Châu”, ý như so sánh con gái Kẻ Cánh (Hương Canh) với bánh (trứng ngài) Tiền Châu trắng, tròn như nhau.

Đây cũng là một hình ảnh gợi liên tưởng đến sự tích một bọc trăm trứng của truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Có nhiều nơi trong tỉnh cũng làm bánh này để dâng cúng (Mê Linh) để tưởng nhớ nguồn gốc và sự đoàn kết đồng bào.

Ngoài ngày tiệc 15 tháng giêng, trứng ngài cũng được dùng làm lễ vật dâng cúng trong các ngày lễ tiệc khác của làng.

3. Tiệc mùng 10 tháng Ba trùng với ngày giỗ tổ Hùng Vương là tiệc đình, chưa rõ liên quan như thế nào đến vị thần thành hoàng ở đây.

4. Tiệc bánh dày mùng 9 tháng Một (mười một – âm lịch) làm bánh dày dâng cúng và tế lễ ở đình. Đây có thể xem như là lễ tế tất niên của làng.

(Nguồn: vinhphuc.gov.vn)


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *