Điểm Du lịch

Lễ cúng rừng của dân tộc Nùng

Tục lệ cúng rừng đầu năm của dân tộc Nùng ở Si Ma Cai  

Với quan niệm rừng cũng có thần rừng cai quản, nên năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Giêng, dân tộc Nùng khắp các thôn, bản huyện Si Ma Cai lại cùng nhau tổ chức lễ cúng rừng, dâng lên thần rừng những lễ vật cùng lời cầu mong một năm mới may mắn.

Lễ cúng rừng được tổ chức ngay tại trong rừng cấm của từng thôn, bản. Tùy theo điều kiện của địa phương mà lễ vật có sự khác nhau. Có thôn, năm nào cũng mổ lợn, có thôn cứ 3 năm thì mổ trâu một lần. Mâm lễ vật thường có gà, xôi, thịt, rượu. Người chịu trách nhiệm làm lễ chính là thầy mo, tuổi ngoài 40, am hiểu phong tục, được dân làng kính trọng, tín nhiệm. Trong lễ cúng, người Nùng thắp hương để mời thần rừng về chứng kiến cho tấm lòng thành kính của dân bản. Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần linh đã che chở cho dân làng,  hàm ý mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hoà, để mọi người có sức khoẻ dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt. Trong lễ cúng, dân tộc Nùng ở Si Ma Cai có một phong tục độc đáo từ lâu đời là xem bói bằng xương gà. Qua chiếc xương đùi gà luộc đã được bóc hết thịt, thầy mo xem điềm báo năm mới tốt hay xấu, trong tháng tới ngày nào là ngày kị, ngày nào dân bản được nghỉ công việc để đi chơi thăm họ hàng, anh em, bè bạn (thường thì từ ngày mùng 1 cho đến ngày mùng 5, mùng 6 tháng Hai âm lịch).

Ngoài ngày làm lễ cúng rừng ra, rừng cấm là chốn linh thiêng, không được ai xâm phạm đến, không được ai vào chặt cây, làm những điều ô uế. Người Nùng quan niệm rằng, nếu ai vi phạm vào lệnh cấm trên, người đó cả năm sẽ gặp những điều không may mắn. Hành động vi phạm nếu bị phát hiện, thì người vi phạm sẽ phải làm lễ, mời thầy mo đến cúng để tạ tội với thần linh. Quan niệm này thường được người dân trong thôn, bản rất tôn trọng, nên ít khi có người vi phạm.

Sau lễ cúng rừng, người ta tổ chức liên hoan ngay tại trong rừng cấm. Một hồi kẻng vang lên để thông báo lễ cúng rừng đã xong, một hồi kẻng tập hợp dân làng quây quần lại để ăn uống. Mâm lễ vật thường dành riêng cho những người cao tuổi trong làng. Những thức ăn đã chuẩn bị trước được mang vào rừng cho tất cả mọi người cùng ăn.  Tục lệ cúng rừng đầu năm của dân tộc Nùng thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng, lòng biết ơn thần linh, trời đất, tổ tiên. Đây là nét văn hoá đẹp cần giữ gìn.

(Nguồn: laocai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *