Điểm Du lịch

Lễ hội Đền Thính

Lễ hội Đền Thính (Từ mùng 6 đến 20 tháng Giêng).
Đền Bắc Cung (tên gọi nôm là đền Thính) thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc là một trong bốn cung đền lớn ở quanh vùng núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng thờ đức thánh Tản Viên. Các đền: Tây cung, Nam cung, Đông cung ở bên kia sông Hồng thuộc địa phận Sơn Tây, đây là bốn cung đền được nhân dân xây dựng và bảo tồn tương đối cẩn thận.

Đền tọa lạc giữa cánh đồng màu mỡ trên khu đất rộng 10.000m2 tựa mình bên những con kênh uốn lượn, bao quanh là làng mạc trù phú, dân cư đông đúc. Từ trung tâm huyện Yên Lạc, du khách theo con đường trải nhựa chừng 300m sẽ đến ngay được khu Đền. Ai đã qua đây một lần sẽ không thể nào quên được sự tuyệt diệu của một không gian Càn Khôn hòa nhập. Một khu vườn cây um tùm quanh năm xanh tốt, những cành cây vươn dài, tán lá xòe ra như bàn tay khổng lồ ôm lấy mái đền cổ kính, uy linh, hương lúa, hương ngô ùa vào đền quện lẫn khói hương trầm ngan ngát. Tiếng chuông trong ngần dội vào thinh không huyền ảo khiến tâm hồn con người vơi bớt nỗi nhọc nhằn nơi trần thế. Hai bên tả mạc, hữu mạc đứng uy nghi và trầm mặc bao lấy khu sân gạch rộng lớn, trông lên một công trình kiến trúc độc đáo.

Đền Thính được khởi dựng cách đây 20 thế kỷ trên nền một ngôi miếu nhỏ thờ đức thánh Tản, nơi trước đó ông đã cho quân nghỉ lại trong một lần vi hành giúp dân khai điền trị thủy. Thần phả truyền lại rằng: Đức thánh Tản (tục vẫn gọi là Sơn Tinh) húy là Nguyễn Tuấn, sinh ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Hợi tại động Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Người mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ và hai anh em họ là Nhuyễn Hiển, Nguyễn Sùng. Hàng ngày, ba anh em vượt sông Đà, sang vùng núi Ba Vì phát rẫy làm nương, tìm kế sinh nhai. Nơi đây, Nguyễn Tuấn đã gặp bà chúa Thượng ngàn, được bà nhận làm con nuôi và ban cho chiếc gậy đầu tử đầu sinh cùng nhiều phép thuật để cứu nhân độ thế. Sau khi chiến thắng Thủy tinh và cưới được công chúa Ngọc Hoa, Người đã từ chối ngôi báu mà Vua Hùng muốn trao, cùng hai em du ngoạn khắp nơi, giúp dân khai điền, trị thủy và được nhân dân nơi nơi tôn kính. Khi đi ngang qua vùng Tam Hồng, Người đã cho quân nghỉ chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá…Sau khi ông đi, dân làng kéo tới nơi Đức Thánh nghỉ chân và thấy ở đó còn sót lại một số gói thính nên sau này, đền có tên gọi là đền Thính. Cũng có sự tích lại kể rằng: khi cho quân nghỉ lại nơi đây, đức Thánh Tản đã dậy dân làm thịt Thính nên dân gian mới gọi tên đền như vậy.

Từ một ngôi miếu nhỏ, đến đời vua Lý Thần Tông (1072-1128) miếu được xây lại thành đền lớn. Đây là nơi vua đến cầu thọ. Đời Vua Minh Mạng (1820-1840) đền lại được tu sửa nhiều lần. Đến đời vua Thành Thái, Tri huyện Yên Lạc cử bần tăng Thanh Ất trùng tu lại đền, công trình kéo dài đến đời Khải Định thứ 6 mới xong (1900-1921). Trải qua bao thăng trầm, đền tiếp tục được nhân dân địa phương gìn giữ và bảo tồn. Ngày 21/1/1992 đền được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá.

Hàng năm, lễ hội đền Thính được mở từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội gồm phần lễ tế, rước kiệu của các làng trong và ngoài xã cùng rất nhiều trò chơi dân gian sẽ được tổ chức.

Sáng mùng 6 tháng Giêng, nhân dân nô nức hướng về đền chính để làm lễ khai xuân. Việc chuẩn bị cho lễ tế khá công phu. Trước tiên là chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia tế lễ và đóng các vai chính trong đám rước. Thông thường có từ 8 đến 14 cụ ông được chọn làm thành viên trong đội tế khai xuân, tế dâng lễ, tế ngày sinh, hóa của đức Thánh Tản. Một cụ hội đủ các điều kiện tốt nhất sẽ được chọn làm chủ tế; 2 cụ làm Đông sướng và Tây sướng; 2 cụ bồi tế; 4 cụ tiến nước đèn, nhang, hoa, rượu,…một cụ đọc văn (đọc trúc); 6 cụ chấp kích hai bên canh gác và xua đuổi tà ma cho cuộc tế. Những công việc này đều do người dân Tam Hồng bầu chọn, cắt cử dưới sự điều hành của ban tổ chức lễ hội.

Ban tế gồm 2 đội, một đội nam và một đội nữ, mỗi đội thường gồm 21 người, trong đó có một người chủ tế. Người chủ tế phải là người có thẻ Vinh tử vượng, phu phụ song toàn, tử tôn hưng thịnh, đồng thời phải khoẻ mạnh …. Song song với việc chuẩn bị trên thì việc chuẩn bị đồ lễ vật cũng được tiến hành. Công việc chuẩn bị xong cũng là lúc lễ hội Đền Thính được diễn ra. Sau lễ khai mạc của Ban tổ chức lễ hội, lần lượt từng thôn trong và ngoài xã, theo lịch đã đăng ký tiến hành lễ rước từ Đình thờ của làng mình lên đền Thính. Khi đám rước của một thôn đến đền, cuộc tế lễ bắt đầu. Nội dung văn tế kể về công lao của Thánh đối với dân làng; mời Thánh về dự hội với dân làng, báo cáo thành tích của làng mình trong năm qua và cầu xin thánh phù hộ cho dân một năm mới làm ăn thịnh vượng, nhà nhà yên bình, làng xóm yên vui, người người mạnh giỏi.

Hội đền Thính như được náo nhiệt, vui vẻ hơn khi các trò của ngày hội được mở. Các trò chơi dân gian được mở lại. Những trai làng cường tráng để trần đóng khố hăng hái vào sới vật, những nữ tú khăn áo sênh sang tươi cười bước đến đu quay; những cụ già râu tóc bạc phơ bên những chú gà chọi đỏ màu lửa; nhưng thu hút nhiều người tham gia nhất vẫn là những bàn cờ tướng và những trận cờ người. Nam thanh, nữ tú rộn rã với bóng chuyền, cầu lông; các bà, các chị cười nghiêng nón với những trò đập niêu đất, ném vòng, kéo co,…hàng quán rộn rã chào mời, du khách đắm mình trong ngày hội, tiếng hò reo nô nức, cảnh vật thật rộn rã, thái bình.

Cứ mỗi độ xuân về, đền Thính lại rực sắc cờ hoa, lòng người lại nô nức khi mùa hội đến. Về Yên Lạc hôm nay, bạn hãy đến với ngôi đền cổ bên dòng sông nhỏ hiền hòa để tận hưởng sự giao hòa sắc xuân của đất trời và để lòng người ấm lại.

 (Nguồn:  vinhphucportal)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *