Điểm Du lịch

Lễ hội đền Thái Vi

Lễ hội đền Thái Vi hàng năm được mở từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ các vị vua trên. Đặc biêt là vua Trần Thái Tông, người đã về chiêu dân, lập ấp, xây dựng căn cứ địa Văn Lâm, làm hậu cứ để chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285.

Đền Thái Vi ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư thờ vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Hiển Từ Hoàng  thái hậu và thờ phụ vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông. Tương truyền đền Thái Vi được xây dựng trên nền cung điện của hành cung Vũ Lâm của các vua Trần. Cứ 3 năm một lần vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, đền Thái Vi tổ chức lễ hội trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 3 (Âm lịch). Nhân dân địa phương quan niệm rằng sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, ngày 15 tháng 3 (Âm lịch) là ngày vua tôi nhà Trần về Thiên Trường (Nam Định) bái yết tổ tiên, ăn mừng chiến thắng.

Hội đền Thái Vi là hội làng tổng, ngày xưa cả ổng Vũ Lâm cũng mở hội. Bởi vì các làng này đều thờ các vua Trần và các vị tướng nhà Trần. Ngay từ chiều ngày 14/3 (Âm lịch), dân làng Văn Lâm đã lễ mở của đền, rước bát hương thánh ra đình Các nơi tương truyền xưa kia đây là nơi các quan vào trình báo trước khi vào hành cung Vũ Lâm, tế cáo yết các vua Trần ở đây. Sáng ngày 15/3 (Âm lịch), các làng của tổng Vũ Lâm xưa đều rước kiệu thánh của làng mình về đình Các để tế.

Đầu tiên làng Khê Đầu (thượng, hạ) làng anh cả rước kiệu thánh qua các làng: Xuân Áng, Khả Lương, Hành Cung, Hạ Trạo, Tuân Cáo đến làng nào kiệu làng ấy lại nối tiếp vào. Cả làng Dầu (Khánh Hòa, Yên Khánh) thờ hoàng tử Ngự Câu Vương và công chúa Huyền Trân nhà Trần cũng rước về đây. Khi tế xong ở đình Các, làng Văn Lâm, hàng chủ tế rước kiệu đi đầu vào đền Thái Vi  để tế các vua Trần. Sau khi tế xong có hát Ca Công. Hát Ca Công gồm có một người đánh đàn chanh, một bà hát mặc áo dài xăng xược một vạt đỏ, một vạt xanh, hát ca ngợi công đức của các vua Trần.

Sau đó các làng còn kéo chữ Thiên hạ thái bình, Trúc Lâm đạo sĩ. Đội kéo chữ gồm có khoảng 120 em 14 - 15 tuổi, chia làm hai hàng, một bên nam, một bên nữ, chạy theo hàng kép ở giữa rồi tỏa ra hai bên theo sự điều khiển của anh cờ tiền chạy sau nắn các nét chữ. Khi chạy hết nét, các em ngồi xuống chữ nổi lên. Chạy hết chữ này mới sang chữ khác.

Phần lễ gồm có rước kiệu và tế lễ: Đi đầu là hai người khênh một trống cái to và một người mặc áo thụng, đội mũ cánh chuồn, đi hia, làm thủ hiệu trống; Tiếp đến là 5 người vác cờ ngũ hành, sau đó đến kiệu bát cống, trên đặt bài vị các vua Trần Hoàng hậu, Công chúa đồng thời bày hương hoa, lễ vật, kiệu có lọng đỏ che.
Tiếp đến là kiệu 4 người khiêng, trên có bày hương hoa, xôi, thịt, oản...Sau đó là phường bát âm, ban tế có chủ tế dẫn đầu, mặc phẩm phục, đi hàng đôi. Sau khi rước kiệu đến phần tế là nghi thức quan trọng nhất của hội được tiến hành trên sân, trước đền Thái Vi, ban tế từ 15 đến 20 người, có một chủ tế, 2 ông bồi tế, 1 ông đọc văn tế, 2 ông xướng tế và mỗi bên có 5 đến 7 ông tiến hương, tiến tửu.
Phần hội là phần tổ chức các trò chơi, giải trí, múa rồng, múa lân, đánh cờ người, đấu vật, bơi thuyền...

(Theo Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *