Điểm Du lịch

Lễ hội cúng biển Mỹ Long

Thời gian: 10 - 12/5 âm lịch.
Địa điểm: Miếu bà Chúa Xứ, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Đối tượng suy tôn: Bà Chúa Xứ, Cá Ông.
Đặc điểm: Lễ hội của cư dân ven biển Nam Bộ. Nghi lễ gồm có: lễ nghinh Ông, lễ rước Bà Chúa Xứ, lễ tế Thần Nông. Trò chơi: nhẩy bao, kéo co, bắt cá.

Hàng năm vào ngày 11 tháng Năm âm lịch tại tỉnh Trà Vinh có truyền thống tổ chức Lễ hội Cúng Biển. Đây là một truyền thống có hang trăm năm, được tổ chức rất long trọng tại thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) cách thị xã Trà Vinh khoảng 20km về hướng Đông (Biển Đông). Ngày 11 tháng Năm ÂL hàng năm thu hút hàng chục ngàn du khách các nơi về thăm dự. Cúng biển Mỹ Long tổ chức theo nghi thức cổ truyền, rất hoành tráng, lịch sự và bên cạnh đó có nhiều trò chơi náo nhiệt, hào hứng, ngoạn mục, mới lạ được tổ chức chu đáo, tưng bừng...

Lễ hội cúng biển Mỹ Long từ lâu đã được xem là một trong những lễ hội quan trọng diễn ra hàng năm ở Trà Vinh. Cứ vào dịp lễ hội (từ 10- 12 tháng 5 ÂL), ngư dân lại tưng bừng tổ chức lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi là lễ cúng biển. Theo những người lớn tuổi trong xã kể lại, Lễ hội này đã được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1917 nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân làng. Cùng với việc cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, lễ hội còn mang tính chất tạ ơn cá voi (cá Ông) mà ngư dân thường gọi là ông Nam Hải. Đối với người đi biển, cá Ông là vị cứu tinh của họ. Nhiều câu chuyện kể về các ngư dân đi biển gặp bão, lúc thuyền sắp chìm đã được cá Ông cứu đưa vào bờ hoặc bảo vệ không cho cá mập ăn thịt...

Các lão ngư dân Mỹ Long kể: Ngày xưa cá mập ở Mỹ Long nhiều lắm, ngư dân ra khơi bằng tàu buồm, khi bị bão tố thường bị chìm, nhiều người không may bị cá mập ăn thịt nên từ đó vào giữa mùa biển ngư dân tổ chức cúng biển để trả lễ. Lúc đầu, ngư dân cúng ở mé biển, đến năm 1922 mới cất miếu Bà Chúa Xứ để thờ. Lễ cúng biển được chia ra làm 6 phần chính gồm: Đi nghinh Nam Hải bằng ghe biển; Giỗ tiền chức; Chánh tế; Chánh tế Bà Chúa; Đi nghinh ngũ phương; Tống tàu ra khơi.

Lễ nghinh ông Nam Hải là lễ chính thức đầu tiên của Lễ hội cúng biển Mỹ Long, được tiến hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 11 tháng 5 âm lịch. Những vị chủ lễ vận lễ phục được bố trí ngồi trên chiếc ghe được mùa nhất của mùa biển năm trước dẫn đầu đoàn ghe biển ra khơi để làm lễ cúng. Buổi sáng ngày 11.5 âm lịch, ban tổ chức làm lễ nghinh Chúa Xứ Nguyên nhung, trong đó có cảnh cha con Quan Vũ mở đường cho phu kiệu đưa bà xuống thuyền. Những nhân vật Quan Công, Châu Xương, Quan Bình do những kép hát bội được rước từ Bến Tre sang; có hai thuyền phò tá hai bên và những thuyền khác hộ tống phía sau. Thuyền ra khơi, diễu hành trên biển trông rất ngoạn mục. Vị pháp sư sẽ đọc cú còn ông Chánh bái thì vừa quỳ vừa xin keo, cho đến khi được quẻ âm dương, thuyền mới quay về. Đến chiều, khi mặt trời lặn là bắt đầu vào lễ tế Chúa Xứ Nguyên nhung, có hương chức đọc văn tế và lễ xướng. Trong dịp này có tiết mục rất là sôi động, đó là màn múa bông của các cô bóng từ nhiều nơi tựu về. Họ cùng nhau tranh tài múa hát dâng mâm vàng mâm lộc cho bà khiến du khách có cảm tưởng đây là ";;;Đại hội liên hoan các bóng miền Tây";;;. Múa bóng gần đây được xét lại là một nghệ thuật nhờ sự khổ luyện và tách khỏi yếu tố thần bí dị đoan nên được ưa chuộng. 

Ngày thứ hai (12/5 âm lịch) có lễ nghinh Ngũ phương. Lần này thì kiệu đi đường bộ, vừa đi vừa đánh trống vòng qua 4 hướng qua chợ Mỹ Long và các ấp lân cận. Hai bên đường kiệu đi, theo tập tục nhà nào cũng đặt những chung muối gạo trước cửa với ý nghĩa cúng cô hồn, sợ chúng vào nhà quấy nhiễu. Trong đoàn có ông Quan Công ngồi trong giá thờ được dân làng khiêng đi. Ông Quan Công này do một kép hát bội tên Thơ (82 tuổi) trước đây thường đóng vai vua trong các vở tuồng nên dân làng quen gọi là vua Thơ, mấy chục năm cứ vào dịp này là vua Thơ vẽ mặt y hệt như Quan Thánh Đế quân ngồi kiệu, nay ông đã già nhưng vẫn còn oai phong. 

Đúng ngọ ngày 12, ban tổ chức đặt heo quay lên chiếc tàu, có đáy kết bằng chuối cây, vỏ tàu bằng nan tre, được dán giấy vẽ màu giống như tàu thật, trong tàu có đủ tài công, thủy thủ và các vật dụng đi biển làm bằng giấy. Khi tàu chở đầy đủ lễ vật: heo cúng, gạo, muối; lúc đó vị pháp sư ";;;điều binh khiển tướng";;; xuống tàu chở ";;;chư vị";;; ăn uống no say để tống ra khơi. Tàu dần trôi theo dòng nước - chuông trống vang lên. Đến khi trên bờ không còn thấy nữa thì một hồi trống kết thúc buổi lễ này.

Với các nghi thức mang đậm nét truyền thống dân tộc, Lễ hội cúng biển Mỹ Long đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân dịa phương và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham dự... Cùng với các nghi thức được tiến hành theo truyền thống, lễ cúng biển Mỹ Long ngày nay còn có nhiều trò chơi phục vụ nhu cầu giải trí của ngư dân như đi cà kheo, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... tạo nên không khí vui tươi những ngày lễ hội.

(Nguồn: cuocsongviet.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *