Điểm Du lịch

Hội về nghề nông

Vĩnh Phúc trước đây chủ yếu là làng nông nghiệp. Cây và con là mạch sống chính của hộ nông nghiệp thuần tuý. Trong các loại cây, cây lúa nước là chính. Do vậy “nước” là nhu cầu thiết yếu trong canh tác, đứng hàng đầu trong cả 3 vùng địa hình sinh thái. Trong các hội lễ, những động thái có liên quan đến nước đều thể hiện rất rõ ràng.  Về lễ, có lễ cúng bằng quả bưởi, quả dừa là loại quả có nhân bên trong là nước như cỗ hoa quả làng Tây Hạ, Thạc Trục.

Về vật hiến lễ có loại cỗ hiến sinh bằng con trâu có rất nhiều ở các làng, nhất là trước thời cải lương hương chính (1927). Bất cứ làng nào dù là thuộc địa hình miền núi, như núi Tam Đảo, thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu có lệ tế cầu mưa bằng trâu, miền trung du hay đồng bằng, làng giầu hay làng nghèo, trong các ngày trọng lễ đều có tế bằng trâu. Bởi con trâu, vốn là loài “thuỷ ngưu”, một loài bò nước. Cúng bằng con trâu do vậy là thể hiện ước vọng cầu mưa.

Về hội, trong nhiều hội làng, vai trò “ông Thiên Lôi” té nước, hay vai người tát nước với chiếc gầu sòng là sắc thái nổi bật trong các mục trò và có trước các mục trò cày, cấy.

Hội làng Hoàng Xá: Làng Hoàng Xá trước năm 1945 là làng thuần nông, một đơn vị hành chính cấp xã thuộc tổng Tăng Đố, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Nay là thôn Hoàng Xá, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường. 

Đình làng Hoàng Xá thờ 3 vị thần có duệ hiệu ghi trên thánh tâm bài vị là: Bảo Ninh, Đôn Tĩnh, Hùng Tuấn, trác vĩ thượng đẳng thần Cao Sơn Đại Vương. Bảo An, Chương tĩnh, Bội linh, Đoan túc Đô hộ đại vương. Tuấn lương, phù quốc đại vương Đình làng mở hội vào ngày 24 tháng Giêng hàng năm. Có 2 chương trình của hội:

Hội vật bò, nghi thức cử hành trước cửa đình, còn gọi là “vật ông đô” là một nghi thức của sát sinh hiến tế.

Hội xuống đồng: Tiến hành ngay sau cuộc vật bò làm lễ hiến sinh. Mọi người từ trong đình, không kể tuổi tác, từ già đến trẻ, từ trai đến gái đều nhất loạt kéo nhau ra đồng, lội xuống ruộng, đi một vòng trong ruộng (hướng Đông - Tây) nhà mình. Trong khi ấy trên bờ, cờ dong, trống giục, hoà cùng tiếng hát véo von, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hớn hở gọi nhau, tiếng kêu ý ái của những sự chọc ghẹo vang xa khắp cánh đồng.Đồng lúa đang xanh như mở ra đón lấy chân người. Gió xuân ào về, làm xốn xang cảnh vật, làm xao động lòng người. Xuống đồng là ngày hội, cũng là tục lệ cổ của làng Hoàng Xá, vừa đậm màu huyền bí, vừa thiết thực đời thường - cuộc sống tâm linh và cuộc sống đời thường hết sức gắn bó.

Hội làng Đại Đề: Đại Đề ngày nay, vốn là thôn Bình Đô của xã Chu Đề, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái tỉnh Sơn Tây đời Lê về trước. Đến thời Nguyễn tách làm 2 xã. Xã Đại Đề (tục danh là Chạ Do).

Xã Đình Chu (tục danh là Kẻ Rua) đều thuộc tổng Sơn Bình, huyện Lập Thạch, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Nay Đại Đề sáp nhập với làng Triệu Xá thành xã Triệu Đề. Làng thờ hai vị có dòng thánh tâm bài vị là: Đức vua Quý Minh đại vương và Đức Hoàng hậu nương nương Mĩ bà thần vị là Thành hoàng làng. Miếu Khánh Thiên là nơi bằng yên của các vị thần. Đình Cha Do là nơi hội sở. 
Trong năm có 4 ngày lễ tiệc. Trong đó có tiệc cầu mùa (tiệc Kỳ Phúc) vào ngày mùng 6 tháng Giêng, gọi là “Khai xuân cầu mùa”.

Trình tự của lễ hội diễn ra như sau:

Sáng ngày mùng 4: Làng có cuộc họp bàn tại đình gồm các kỳ hào, hương lý, sắc mục và các quản giáp, cắt cử người đứng ra tổ chức lễ tiệc.

Sáng ngày mùng 5: Các chân “thủ dịch” (người phụ trách công việc) đi mua 4 cây tre lớn, kén chọn nhà bán tre và kén cây tre theo tiêu chí nhất định. 2 cây dùng vào việc kéo co, 2 cây dùng làm nan để đan các loại cây ăn quả gọi là “đan trò” như sau: Đan hình cây lúa, Đan hình bắp ngô, Đan hình quả bầu, (loại bầu đất, ngon có tiếng, có cánh đồng cửa đình chuyên trồng bầu, gọi là “bầu đất Chạ Do”). Đan hình quả bí. Đan hình quả dưa… mỗi thứ 10 quả, rồi dán các loại giấy mầu bên ngoài, tựa như quả thật. Lập 2 ban cúng ở trong đình, nửa số cây quả cùng lễ vật dâng lên thượng cung điện cúng lễ Thành hoàng làng. Nửa số cây quả dâng cúng Thần Nông ở ban lập bên gian trái đình.

Sáng ngày mùng 6: Dân làng tổ chức tế lễ, sau đó hưởng lộc thánh tại đình. Từ buổi trưa, tổ chức “hạ giải”.Các trai làng được kén chọn đóng giả nữ. Xếp các cây, quả vào quang thúng gánh ra sân đình. Một số trai làng đóng vai lái buôn, một phiên chợ được diễn ra trước cửa điện thần, họ mua bán như một phiên chợ ngoài đời. Xong cảnh hội chợ, vị thủ từ đem các loại cây quả này tung lên, mọi người xông vào cướp, lấy lộc đầu xuân.

Hội làng Đan Trì: Làng Đan Trì trước năm 1945 là đơn vị hành chính cấp xã, thuộc tổng Hoàng Chuế, huyện Tam Dương, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Nay là thôn Đan Trì, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương. Đình làng Đan Trì thờ 2 vị thần thời Hùng Duệ Vương. Ngày mùng 6 - mùng 7 tháng Giêng có lễ hội ngày hoá thần. Tối mùng 6 mở trò hội, diễn tả ngày hội xuống đồng, gọi là “Hội chạy cày”. Làng xưa có 2 giáp, chia theo địa giới ngôi đình. Giáp ở phía Đông Nam đình gồm 2 xóm là xóm Cầu và xóm Lồ. Giáp ở Tây Bắc đình gồm 2 xóm là xóm Chằm và xóm Chấu.

Để vào hội, mỗi xóm chuẩn bị 4 cái cày, nhưng chỉ có 3 bộ phận là vạy cày, thiếu cày và bắp cày làm công cụ diễn, sơn màu đỏ.

Mỗi cày trọn 2 người nam vào vai diễn: Một người vai thợ cày, một người vai con trâu kéo cày, những vai này chỉ đóng khố ở trần, ngang lưng thắt đai xanh, đầu chít khăn ngang mầu đỏ để vào diễn.

Tổng số cày của mỗi giáp là 8 chiếc, số người là 16 người. Toàn làng có 16 cái cày, với 32 vai diễn. Ngoài ra, mỗi giáp còn có 1 thợ mạ, cả làng có 2 thợ mạ đều là nam. Thợ cấy tuyển giới nữ, số lượng không hạn định.

Trước cuộc diễn, tất cả mọi người xếp cày trước cửa đình rồi vào làm lễ trình thánh, trình cày theo từng cặp: 1 thợ cày + 1 trâu.

Thời gian trình diễn: Buổi tối ngày mùng 6 tháng Giêng, dưới ánh đuốc. Địa điểm diễn: Sân đình.

Không gian hội: Ngôi đình, đường cái xung quanh và 2 cổng đình (đình mở 2 cổng: cổng bên Đông và cổng bên Tây).

Tiến trình diễn:

Các động tác trong hội đều là chạy, nên mới có tên gọi là “chạy cày”. Làng có 5 xứ đồng, mỗi xứ đồng cày một lần, nên có 5 vòng chạy để diễn. Vào diễn, những người cầm bắp cày dựng đứng bắp lên. Người cầm vạy cày cuốn vòng dây thiếu vào người cầm bắp theo chiều ngược kim đồng hồ, thành vòng cuốn thứ nhất.

Người cầm bắp cày thứ 2 dựng đứng bắp cày đứng tiếp vào vòng một, người cầm vạy cày tiếp vòng thứ 2 vào 3 người cầm bắp và dây ở trong, cũng theo chiều quay ngược kim đồng hồ.

Cứ dựng như thế đến đủ 8 bắp, 8 vòng dây thành một núi cày với 18 người. Ở sân đình lúc này có 2 núi cày, dàn hàng ngang. Mỗi giáp là một núi cày.  Sau khi đã cuốn tròn hết các vòng dây thì bắt đầu các động tác mở dây. Các vòng dây lần lượt mở vòng, từ ngoài vào trong theo ngược lại khi cuốn, theo chiều quay của kim đồng hồ (mở về tây), theo quy thức “thăng Đông giáng Tây”. Lần lượt mở hết 8 vòng dây của 2 “núi cày” thì chạy ra cổng, theo hướng cổng Đông của đình, ra con đường rộng ở phía sau thượng cung đình.

Lúc này, người xem hội đã đứng đông đặc, người ta reo hò, chuyển động dưới ánh đuốc. Đoàn chạy cày chạy trên đường, hễ gặp ai là họ “cuốn” người ấy lại, thành ra hai bên giằng co nhau, vùng vẫy. Người xem lấy thế làm hay, lại một lần hò reo ầm ỹ, đám hội trở nên sống động hả hê.

Cũng có những chị, những cô rất “hay mắt” cứ cố ý chạy tắt qua đường. Thế là đám trai đình “chạy cày” cứ một “vòng cuốn” thoả thuê. Cuốn thật chặt những người cố ý ngẩn ngơ này lại. Biết đâu, những người “chẳng may” gặp đám “chạy cày”này, lại chẳng phải là người đang mong cầu phúc, cầu lộc và cả cầu duyên nữa, mong cho “Thánh ứng” mà toại nguyện tâm. Đó là giá trị nhân văn của ngày hội. Lại có cả những thư sinh, những anh khoá sắp đến kỳ thi, cũng cứ cố vẩn vơ trên đường để cầu khoa trên đường học nghiệp.

Những lúc như thế, cả người “chạy cày”, người được dây cuốn, lẫn người xem cứ như được kích thích, như có men say, như thăng hoa vậy.

Trong khi cày trâu đang “chạy” trên đường, thì trong sân đình có tốp diễn khác ra làm các động tác của nhà nông. Người thợ mạ làm các động tác nhổ mạ, ném mạ xuống ruộng cấy. Các cô thợ cấy diễn các động tác cấy lúa, cũng diễn quanh sân theo chiều chuyển động Đông - Tây.

Chạy một vòng ngoài đường, những thợ cày coi như đã cày xong được một xứ đồng, chạy vào sân đình ở cổng Tây.

Trước cửa đình, lại tiến trình một vòng cuốn “trình thánh” lần thứ 2. Cùng lúc đó, những vai diễn khác là người tát nước hò nhau, tát nước vào đám thợ cày - chống hạn.

Cứ như thế, lần lượt có 5 vòng cuốn trước cửa đình, 5 lần cày chạy ra sau đình, 5 lần nhổ mạ và 5 lần “xuống cấy”, thì coi như đã thuỷ canh xong cả 5 xứ đồng làng. Mùa cấy đã kết thúc, là lúc nhà nông lên bờ “thượng điền”.

Mọi người vào sân đình làm lễ tạ đức Thánh. Hội chạy cày kết thúc vào đêm khuya. Mọi người hớn hở ra về, mang theo sự kỳ vọng cho cả một năm thắng lợi.  Đây là một nghi lễ xuống đồng, ngày “Hội xuống đồng” được các tác giả nông dân làng Đan Trì biên soạn thành 1 kịch bản sân khấu có lớp diễn để diễn về nhà nông, mà không pha các nghề khác, một nghi lễ thuần nông, hiện vẫn đang thực hiện hàng năm.

Làng Đan Trì từ xưa và nay là làng thuần nông, nằm ở vùng đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng, có nền văn minh cây lúa nước và các tín ngưỡng cầu mùa. Hội “chạy cày” là biểu hiện thực thể của một tư duy và tín ngưỡng nông nghiệp thời cổ xưa ấy.

Hội làng Đông Mật:

Trước năm 1945, Đông Mật là đơn vị cấp xã thuộc tổng Đông Mật huyện Lập Thạch, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay là thôn Đông Mật xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Làng có 2 di tích tín ngưỡng thờ Thành hoàng là miếu Đông Mật và đình Đông Mật, đều toạ lạc ở địa phận giáp Nam.

Làng thờ 2 vị thần Thành hoàng là nhân vật thời vua Hùng Duệ có công trong cuộc giao tranh Hùng Thục cùng với vị Tản Viên Sơn. Một vị là Vũ Công Bách, một vị là Vũ Công Điền, cùng là anh họ với Vũ Công Bách. Hai vị đều nguyên quán tại làng Bác Trạch, phủ Chân Định. Nay thuộc tỉnh Thái Bình. Sau khi vua Hùng Duệ nhường ngôi cho Thục Phán, hai ông về làng Đông Mật sinh sống rồi mất ở đây.

Một năm, làng có 5 tháng có tiệc lệ, trong đó có 2 ngày tiệc mùng 6 tháng Giêng và mùng 6 tháng 10 làng có mở hội. Nội dung ngày hội được Bản Thần tích - Thần sắc làng Đông Mật chép:

“Trước kia làng chúng tôi, đến ngày tiệc mồng 6 tháng Giêng và mồng 6 tháng 10 thường sửa lễ tiệc bằng trâu hay bằng bò, làm trò rước ông công và làm trò ngư, tiều, canh, mục để cầu cho dân thịnh vượng. Mấy năm gần đây (chỉ lệ cải lương hương chính thực hiện từ năm 1927 của phủ toàn quyền Đông Dương) phong tục đã thay đổi các việc trên đều giảm bỏ đi cả”.

Làng Đông Mật có 4 giáp - cũng gọi là 4 làng là Đông, Nam, Bắc và Đoài.

Đoài tức là làng Lũng Tuyền cũng gọi là làng Lũng.

Tuy nhiên, hội cũng chỉ mở vào ngày 6 tháng giêng là thường xuyên hơn cả, cả 4 giáp cùng tham gia, và các vai diễn phân ra cho các giáp với sự ưu tiên:

Giáp Nam: Được bầu một người của giáp sắm vai “ông công”. Trước khi tế ở đình, làng phải vào nhà có người được bầu sắm vai để rước ông công ra đình. Nghi thức là rước bằng kiệu, có tàn, quạt che như rước thần.

Giáp Bắc: Sắm vai “thằng ngô - con đĩ”

Còn là công việc chung của 4 giáp.

Các đạo cụ diễn gồm có:

Con trâu: Bện bằng rơm

Con bò: Bện bằng cỏ.

Vì vậy mới thành tên hội “trâu rơm - bò cỏ”

Cày, bừa: Đều bện bằng rơm

Hình người đi cày: Bện bằng rơm.

Trước khi vào hội diễn làng tổ chức đám rước. Rước 3 kiệu, gồm một kiệu văn, hai kiệu thánh (kiệu bát cống).

Đường rước khởi từ đình, vòng ra đầu xóm Lũng Tuyền cũ, (gọi là Chân Chim), vòng về miếu rồi trở về đình, thành một vòng tròn, chu vi khoảng 1500m, hạ kiệu. Tiến hành lễ tế ở đình.

Xong cuộc tế, vị chủ tế cầm cái bừa làm động tác đi bừa 3 lần ở sân đình. Ngụ ý là mùa xuân mở đầu ra đồng. Con bò được thả cỏ. Con trâu đi cày bừa làm ruộng khai xuân.

Sau đó vào diễn trò “ngư - tiều - canh - mục”.

Giáp Nam đóng các vai: ông Thiên Lôi biểu tượng sức mạnh tự nhiên làm mây, làm mưa, lấy nước cấy trồng, đóng vai thợ cày, vai con trâu, vai thợ cấy.

Giáp Đoài cử người đóng vai người chăn bò, con bò do người đóng.

Giáp Đông cử người đóng vai đi câu. Mỗi câu là bong bóng lợn thổi căng phồng. 
Giáp Bắc cử 5 người đóng vai tiều phu, dao thắt ngang lưng.

Đủ 4 trò: Ngư, tiều, canh mục là: Nghề cá, nghề rừng, nghề làm ruộng và nghề chăn nuôi.

Như vậy, trong ngày hội mùng 6 tháng Giêng, làng Đông Mật diễn 2 trò: Trò Trâu rơm, bò cỏ, cũng là một trò diễn nông nghiệp nhưng nặng về tín ngưỡng cầu mùa. Trò Ngư, tiều, canh, mục, là trò diễn dân gian, cũng là một trò diễn nông nghiệp hội mùa, nhưng phản ánh gần gũi đời sống thực lao động.

Trong hội diễn, trâu đi cày, thợ cấy đi cấy. ông Thiên Lôi làm mưa té nước, một không khí lao động mùa xuân rất sôi động trong không gian thiên nhiên và con người cộng sinh.

Trò diễn trở nên rất vui nhộn khi có con trâu, vài con bò chạy cả ra vòng ngoài, tìm húc vào người xem, nhất là các cô gái làng xinh đẹp. Mọi người cười đùa ré lên, rạt ra chạy khỏi đám trâu bò đang húc, thì lại bị ông Thiên Lôi té nước vào người, cả người diễn, người xem trở nên một đám trò thực sự vui nhộn. Các vai diễn cùng với người xem hoà vào nhau cười đùa thoả thích.

Nội dung của hội là trò diễn trình về nghề nông. Gồm có các vai con trâu, người cày, người cấy và người tát nước, vai ông Thiên Lôi, đem về mưa thuận gió hoà.

Nói chung, các hội về lễ nông nghiệp ở Vĩnh Phúc đều diễn ra vào tháng giêng, đầu năm mới.Tính chất của nghi lễ trước thần điện, đồng nhịp với sự vận động, đi lên của môi trường sinh thái, đồng nhịp với ước vọng về sự no đủ trong đời sống xã hội, là đặc điểm về nghi lễ nông nghiệp vùng này.

Các hội lễ về nghề nông trong năm:

Tháng Giêng:

* Ngày 6: Làng Đại Đề, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch.

Làng Đan Trì xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương. (Hội lễ diễn ra vào buổi tối).

Làng Đông Mật, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

* Ngày 24:

- Làng Hoàng Xá, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường.

- Làng Thổ Tang xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (hội dưa).

(Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *