Điểm Du lịch

Hội trâu Đền Bà

Đền Bà còn gọi là Đền Trinh Uyển nằm sát bên bờ Đầm Vạc thuộc xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Đền thờ Phùng Vĩnh Hoa công chúa - là một trong các tướng quân của Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán.

Lễ hội Trâu đền Bà tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 10 âm lịch (ngày 13 rửa cửa đền, ngày 14 chính hội, ngày 15 đóng cửa đền).

Tối ngày 13/10 các giáp của hai làng Vị Thanh (Kẻ Mùi) và Vị Trù (Kẻ Ngà) đến nhà ông Hương hỏa để làm công việc chuẩn bị lễ hội. Mỗi giáp đều có lễ: xôi gà, bánh giầy, hoa quả, trầu cau và hương thơm đặt trên đồ dùng hoàn toàn mới như: Mâm (thời xưa bằng mâm tre), rổ rá tre, đũa. Họ thi thố đua gianh nhau làm thật ngon, thật đẹp, thật sạch, nhất là khâu giã bánh giầy hết sức cầu kỳ, kỹ lưỡng từ chọn gạo nếp, nước ngâm gạo, lá chuối để bánh, chiếc cối, cái chày và cả người giã bánh, nặn bánh.

Những người muốn đi lễ hội trâu phải kiêng ăn hành, tỏi, ăn những thứ tanh hôi và không được gần gũi vợ chồng trước ngày lễ hội độ một tuần lễ.

Tối ngày 13 lễ hội được bắt đầu từ nhà ông Hương hỏa nổi chiêng, trống, tù và sừng trâu cùng dội nhạc và đốt đuốc sáng trưng để rước lễ trên kiệu đến lễ ở đình Thượng xóm Đoài xuống đình Hạ gần xóm Đồng. Còn làng Vị Trù thì từ đình Trung (gần ngõ Đông) đều tiến ra hướng Đầm Vạc để cùng làng Vị Thanh vào Đền Bà thành một đoàn. Đi đầu đoàn rước là kiệu của 2 làng, sau kiệu là ông Hương hỏa mạc quần áo lễ hội thắt lưng đỏ dắt trâu cà, chạc, sẹo trâu đều màu đỏ. (Làng Vị Trù không tế trâu cà mà tế lợn đực thay trâu). Đi sau trâu cà là đội tế, đội nhạc cụ rồi đến người đi dự lễ hội tay họ cầm đuốc bằng củi cây ổi, cây mía ngâm kỹ để khô hoặc chiếu cũ đốt lửa sáng hành tiến đến đền Bà.

Sau ngày 14/10, đầu canh một, cụ từ coi đền cho thổi tù và đánh chiêng trống thị uy đồng thời ông Hương hỏa cho trâu uống rượu. Sau đó 6 trai tơ khỏe mạnh mặc trang phục lễ hội dùng thiếu cày mới thòng lọng cổ trâu, luồn chạc qua bụng trâu kéo trâu 3 lần lên cao. KHi hạ trâu xuống đất 6 trai tơ đó cầm gậy tre đực to, đánh cho đến khi nó chết.

Suốt thời gian lễ hội, trong đền Bà luôn tế lễ linh đình trang nghiêm. Xung quanh đền tổ chức các trò chơi dân gian như: Bịt mắt đánh trống, kéo co, đánh vật (trên đất liền), bơi thuyền, bắt vịt, thi bơi (dưới đầm Vạc). Các trò chơi nhằm tái hiện lại trận quyết chiến của nữ tướng Thanh Nương chỉ huy quân đánh giặc Đông Hán. Và còn thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm, tấm lòng nhân nghĩa, chân thiện của nhân dân làng xã với quê hương đất nước của thời đó.

Sáng ngày 15/10 lễ hội trâu kết thúc, ban tổ chức làm nhiệm vụ tổng kết quyết toán đánh giá kết quả, động viên, khuyến khích kịp thời. Đồng thời bàn công tác lễ tết năm sau của đền Bà như: Lễ khai xuân, lễ tứ quý, lễ cầu ngòi, lễ cầu cá tiệc tháng 10 (tức hội trâu)….

Những ngày lễ tết ở đền Bà thường tổ chức vào các ngày, tháng sau đây:

Lễ khai xuân vào ngày tốt nhất của đầu tháng giêng từ mồng 1 đến ngày 15.

Lễ tứ quý vào ngày tốt từ mùng 1 tháng 8 đến mùng 10 tháng đầu tiên của một quý.

Lễ cầu ngòi vào ngày mùng 1 tháng 8.

Lễ cầu cá vào ngày tốt của đầu tháng 10 từ mùng 1 đến mùng 10.

Sau khi được tu bổ, tôn tạo, Đền Bà lại càng to đẹp, uy nghi hơn, là điểm đến tâm linh, ngưỡng vọng của nhân dân xa gần.

(Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *