Bảo tàng & Điểm đến khác

Đồng Đình - bảo tàng cổ vật quý ở miền Trung

Qua 40 năm góp nhặt, sưu tập trên chặng đường làm phim tài liệu truyền hình khắp vùng miền, Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao đã thu được nhiều cổ vật quý và trình bày chúng trong bảo tàng tư nhân của ông ở Sơn Trà, Đà Nẵng.

Nằm trên tuyến du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà, bảo tàng Đồng Đình của nghệ sĩ Đoàn Huy Giao có hàng trăm cổ vật, cùng kho tàng dân tộc học phong phú. Nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch sinh thái thu hút khách trong và ngoài nước tham quan.

Hai ngôi nhà rường cổ xưa đặc trưng xứ Quảng trưng bày hiện vật gốm cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt... Ảnh: Trí Tín

Cuối con đường lát đá rêu phong dẫn lên cụm đồi phủ kín cây xanh, bảo tàng Đồng Đình hiện ra giữa khu nhà vườn trung du truyền thống xứ Quảng. Khóm lồ ô uốn cong rì rào trong gió, văng vẳng bên tai tiếng suối Bụt róc rách chảy, chim hót líu lo đưa du khách hòa mình vào thế giới thiên nhiên hoang sơ, yên tĩnh lạ thường. Những con đường rải sỏi nho nhỏ chạy quanh co giữa thảm cỏ tóc tiên bên dưới vô số cây rừng cao sừng sững. Điểm xuyết trên những mảng cỏ là những chú gà ri mào đỏ, toàn thân trắng muốt nhàn nhã kiếm ăn.

Ông Giao tâm sự: “Bao nhiêu năm rong ruổi sưu tầm khắp các miền biển duyên hải miền Trung và bản làng Tây Nguyên, xây dựng bảo tàng này, tôi hy vọng tạo ra một địa chỉ văn hóa độc đáo kết hợp hài hòa giữa bảo tồn không gian sinh thái rừng với việc lưu giữ giá trị văn hóa cổ xưa của dân tộc”.

Khép mình dưới tán rừng xanh mướt, hai nhà rường xưa lưu giữ hàng trăm cổ vật có niên đại từ 100 đến 2.500 năm thuộc các nền văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, Đại Việt... Tham quan bảo tàng Đồng Đình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học xã hội miền Nam nhận định: " Hiện vật trưng bày ở bảo tàng này thật tinh tế, tiêu biểu cho các nền văn hóa, lịch sử Việt Nam từ văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo, Đại Việt... có niên đại từ hàng trăm đến hàng nghìn năm".

Ông Hoàng nói rằng các hiện vật trưng bày ở bảo tàng này có nhiều tiêu bản quý như chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép tìm thấy ở khu vực tháp Đồng Dương có niên đại thế kỷ thứ 16 (triều Mạc); một Kosa Linga bằng bạc phát hiện tại kinh thành Trà Kiệu, khuyên tai hình lá liễu lần đầu tiên được tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh...

alt 

Đĩa gốm hoa lam triều Mạc(thế kỷ 16) đắp nổi hình cá chép trong lòng đĩa được tìm thấy dưới chân tháp Đồng Dương, huyện Thăng Bình(Quảng Nam) - Trung tâm Phật giáo của người Chăm lớn nhất Châu Á thời bấy giờ. Ảnh: Trí Tín

Năm 1998, trong lúc ông Giao thực hiện tập phim “Trên cao nguyên M'Nông” ở Đăk Nông, một người dân địa phương đã để lại cho ông chiếc trống bằng da voi của Nơ Trang Lơng, một thủ lĩnh đồng bào Mơ Nông thời kháng chiến chống Pháp. Trong một chuyến đi khác, ông Giao đã mua chiếc thuyền độc mộc của người Mạ (thế kỷ 14) - chủ nhân của Thánh địa Cát Tiên Vương quốc phù Nam xưa…

Năm 2008, khi làm phim tài liệu “Tây Nguyên miền hoang tưởng” (36 tập) ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, dự lễ hội đâm trâu ông Giao thấy đồng bào dùng những mặt nạ bí ẩn, chiếc áo vỏ cây của người Ba Na. "Thấy độc đáo nên tôi cất công sưu tầm với hy vọng bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc các bản làng của Tây Nguyên", ông Giao thổ lộ.

alt

Chiếc áo khoác l àm bằng vỏ cây của đồng bào Ba Na treo trên khu nhà sàn bảo tàng Đồng Đình. Ảnh: Trí Tín

Tiến sĩ George Kunihiro, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư châu Á đánh giá: " Không gian bảo tàng được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại vừa tận dụng được thế tự nhiên vừa thân thiện với môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà. Các khu nhà rường, nhà sàn tương thích tự nhiên với các cổ vật nằm khiêm tốn dưới tán rừng thật tuyệt".

Bảo tàng Đồng Đình không chỉ thu hút giới nghiên cứu, nhà khoa học mà còn là nơi thư giãn cuối tuần của nhiều bạn trẻ trong tour du lịch khám phá vùng rừng sinh thái bán đảo Sơn Trà.

Trí Tín (Theo vnexpress.net)

 

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *