Bảo tàng & Điểm đến khác

Chợ Phiên Sapa

Chợ Phiên Sapa: Tại Sapa, về mặt hành chính được đặt cho một huyện của tỉnh Lào Cai và cũng cho thị trấn của huyện lỵ huyện này. Tại sao Sapa là nơi họp chợ mà không phải là ở những vùng xung quanh khác? Giải thích cho sự việc này là bởi vì Sapa dường như nằm ở điểm nút, trung tâm của các hướng bản làng trong toàn vùng là các thung lũng dưới chân núi Hoàng Liên. Đây là ngã ba của các con đường từ các khu bản làng nằm trong các thung lũng ở phía Bắc như Tả Giàng Phình, Bản Khoang đổ về các bản làng phía Nam như Bản Hồ, Suối Thầu, Tả Van, Lao Chải đi lên. Trong cả một vùng rộng lớn, chỗ nào thuận tiện nhất cho hầu hết mọi vùng tập trung về trao đổi hàng hóa, thì ở đó sẽ xuất hiện chợ.

Cũng có ý kiến cho rằng, trước đây chợ Sapa họp ở trên một bãi cát ven bờ suối nằm ở xã Sapả cách thị trấn khoảng 8km về phía Lào Cai, rồi sau này chợ mới dời về thị trấn này. Vì thế có thị trấn Sapa rồi lại có xã Sapả. Có người lại cho rằng, bãi cát xưa họp chợ chính là một vạt đất rộng có cát đùn từ dưới lên và là chỗ của sân bóng ngay giữa trung tâm, trước mặt nhà thờ cổ Sapa. Dân cư bị di dời sang nơi khác, đó chính là bản Sapả hiện nay. Từ trên đường về Lào Cai, ngay chỗ đoạn có tấm quảng cáo lớn của khách sạn Victoria, nhìn xuống thung lũng bên tay phải chính là các bản người H’Mông của xã Sapa.

Theo tập tục người dân tộc ở Sapa họp chợ năm ngày một phiên giống người miền xuôi. Sau rồi, khi người Pháp đến đây thì theo lịch Tây, chuyển sang ngày cuối tuần cho thuận tiện. Người Dao thường ra chợ Sapa vào tối thứ bảy, buổi tối hôm đó họ ở lại đêm tại chợ và hát giao duyên thâu đêm đến sáng. Và sáng hôm sau chủ nhật thì ra chợ mua sắm và trở về bản. Còn người H’Mông thì vào sáng chủ nhật mới đi chợ, nhưng dần dà họ bắt chước người Dao, đi từ chiều thứ bảy, buổi tối múa hát thổi kèn rồi lại giao duyên đến sáng chủ nhật mới họp chợ. Cho đến hôm nay thói quen ấy vẫn còn và chợ sapa vẫn có bóng dáng của người Dao nhiều hơn. Vào buổi sáng chủ nhật, trên các nẻo đường dẫn đến thị trấn, người ta thấy nhiều người Dao từ chợ đi về bản và người H’Mông thì đi ngược lại từ bản ra chợ.
Theo như nhiều cụ già ở đây kể lại. Ngày xưa chợ Sapa đông vui lắm. Chợ họp ngay ngoài trời trên một bãi đất rộng. Đàn ông cưỡi hoặc dắt ngựa, vai đeo súng kíp và ngang lưng buộc dao bọc trong hộp tre. Họ tìm chỗ buộc ngựa và không quên tháo bịch cỏ mang trên lưng ngựa xuống cho nó nhai, bởi vì phiên chợ còn dài lắm. Người ta thồ trên lưng nấm hương, mộc nhĩ, củi, gạo, ngô, khiêng tre vầu, lá tranh và cả các thân cây gỗ to ra chợ để đổi lấy thịt, muối, kim chỉ, vải vóc… Khi có sự xuất hiện của người Pháp, họ đã dựng một ngôi chợ gỗ rất to, mái bằng gỗ pơmu xẻ mỏng như kiểu mái nhà người H’Mông, trên chính mảnh đất của ngôi chợ bê tông ngày nay. Một góc trái của chợ là nơi buộc ngựa, còn ở chỗ rau bây giờ là các dãy máng cho ngựa ăn gọi là tràn ngựa. Xuống chút nữa là lối dẫn đến bản Cát Cát và dãy phố hoa kiều.

Đến năm 1995 thì chợ cũ bị phá đi và xây chợ mới bằng bêtông hai tầng khang trang như ngày nay. Mặc dù chợ mới xây kiên cố bề thế nhưng người dân lại thích đứng ngồi, đi lại tản mạn ra các hè phố chung quanh, ra sân nhà thờ mà buôn bán và trò chuyện. Vì thế chợ Sapa có nghĩa là cả một khu vực dài rộng, dọc theo các con đường khu vực phố cũ. Và thế là chợ Sapa hình thành, níu chân nhiều du khách với cái ấm áp tình người, để rồi ở Sapa, du khách sẽ thích thú với bao điều mới lạ của thiên nhiên và con người nơi này.

Tuy nhiên những phiên chợ cuối tuần ở Sapa mới là sức hút đối với nhiều du khách. Người dân tộc ở các bản làng xung quanh, xa xôi, khó khăn trong việc đi lại bởi xưa không có những phương tiện giao thông như bây giờ. Chợ phiên là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân tộc thiểu số sống xa cách nhau ở vùng cao, có bản sắc văn hóa, phong tục riêng. Các phiên chợ này như thực hiện những ước hẹn truyền thống của tuổi trẻ, của yêu cầu sinh tồn, phát triển dòng giống. Sự xa cách về địa thế núi non và sự xa cách về tình cảm thông giữa các dân tộc vốn từ lâu là nhược điểm, là ngăn trở sự tăng trưởng dân số cũng như kiến thức ở miền cao, vùng sâu, vùng xa. Chính vì thế cần có những phiên chợ ước hẹn để trai gái lặn lội đường xa, tìm đến với nhau giao duyên và trao đổi hàng hóa với nhau. Một công hai ba việc tiện ích. Họ vừa buôn bán, vừa giao du, vừa mua được những thứ cần cho cuộc sống, vừa được thể hiện tình cảm, tình yêu thương đích thực giữa người và người.

Tại các phiên chợ, không chỉ riêng gì Sapa, như chợ phiên Bắc Hà, Cán Cấu, Cốc Ly, Mường Khương, Tam Đường … ở rải rác các huyện của tỉnh Lào Cai, người dân tộc đem sản phẩm của mình ra chợ trao đổi buôn bán, họ khoe những sản phẩm do chính họ bỏ mồ hôi công sức ra làm. Đây có thể coi là cách khoe kỹ năng, nghề nữ công của các cô gái dân tộc, của những người phụ nữ đảm đang. Vì đi bộ đường xa từ các bản làng heo hút trong các thung lũng thăm thẳm, các cô gái phải ở lại qua đêm tại thị trấn chờ sáng hôm sau mới trở về. Tất nhiên có những cơ hội tình cờ trai gái gặp nhau và khi chợ tan, các sạp bán hàng đóng lại, các cô cậu còn ngồi đứng lóng ngóng trò chuyện chờ tới sáng. Dịp này cũng là cơ hội để các cậu trai làng bày tỏ tài nghệ tháo vác của mình. Thật chất từ chuyện mua bán, trao đổi hàng hóa, công việc mưu sinh cuối tuần đến hiện tượng mở rộng tình yêu rồi đi đến hôn nhân, thực tế là đã có nhiều cặp vợ chồng thành hình nhiều gia đình được tổ chức, sinh con đẻ cái đầy đàn, bắt nguồn từ những phiên chợ. Nhiều thôn bản ở xa nên đồng bào thường đến chợ từ chiều hôm trước. Khi mặt trời xế bóng, là lúc những đôi trai làng gái bản hối hả về chợ. Các cô gái trong bộ trang phục mới và đẹp nhất, có mùi thơm chàm, cùng các dải hoa văn rực rỡ, càng tăng thêm vẻ đẹp của núi rừng. Các chàng trai cũng rút sáo, đàn môi ra thổi vài điệu dân ca quen thuộc. Khi màn đêm buông xuống, bên ngọn lửa rực ấm tình người hay dưới những rặng cây gần chợ, những điệu hát giao duyên vang lên. Lúc đầu họ còn hát tập thể, về sau từng đôi ăn ý tách đôi nhau ra thủ thỉ tâm tình, bày tỏ tình cảm yêu thương.

(Nguồn: www.saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *