Ẩm thực Việt Nam

Bánh đa kê

Bánh đa kê là món ăn thú vị, thứ quà vặt quen thuộc của người Hà Nội. Món quà vặt này hội tụ đủ vị mát của kê xen lẫn với vị bùi của đậu xanh, vị giòn của bánh đa quyện đều với miếng kê mềm mềm vì được chưng chín.

Trong thành phố, bánh đa kê có lúc là món ăn điểm tâm sáng, và có người muốn đổi bữa, cũng đôi khi tìm bánh đa kê nhấm nháp thay cho phở bò, xôi lúa, bánh giò. Thích nhất là ăn bánh đa kê vào mùa hè ta cảm nhận được vị ngon ngọt, dịu mát, còn mùa đông lại thấy vị giòn tan, bùi bùi trong miệng thật ấm áp.

Cách làm bánh đa kê không khó nhưng để làm được món ăn này thật ngon, đậm vị không hề dễ. Trươc tiên, ta cho đậu xanh vỡ đôi ngâm vào nước ấm khoảng hai tiếng cùng một nhúm muối trộn vào đậu cho đậm, sau đó cho vào chõ đồ lên chờ đến lúc chín. Trong lúc đậu đang nóng, tranh thủ nghiền đậu cho mịn bằng chày nhỏ. Xúc đậu và nắm thành từng nắm to. Sau đó ta tiến hành nấu kê. Cho những hạt kê nhỏ, tròn như viên trứng cua vào cối giã nhẹ rồi xảy vỏ rồi đổ vào nồi nước, lượng nước ít như thổi cơm nếp. Khi nồi kê sôi, vặn nhỏ bếp và đậy kín vung để kê chín bằng hơi, tránh bị khê. Sau khoảng 15 phút nếm thấy chín, nhấc nồi ra, xúc kê vào rá cho nguội, đậy mảnh vỉ buồm hay vuông vải màn.

Ngồi đợi bên gánh hàng của chị bán bánh, người mua sẽ có thời gian để xem chị thao tác. Thúng bên tay trái chị thường để túi nilông to đựng bánh đa đã nướng buộc chặt. Thúng bên phải để rá kê, quanh rá kê cài một hai nắm đậu vàng to bằng trái bưởi. Kế đó là một bát tô sắt đổ ngập đường kính trắng. Chị bán hàng rút trong túi nilông chiếc bánh đa tròn rồi nướng để làm phồng lấm tấm những hạt vừng. Sau đó, chị dùng con dao nhỏ tách đôi chiếc bánh đa thành hai nửa bằng nhau. Chiếc bánh đa nướng được cắt làm bốn, làm sáu, có hình chiếc quạt. Trong rá kê có sẵn một thanh gỗ bẹt bằng tre, giống chiếc đũa cả ngắn dùng để phết kê. Chị bán hàng phết ba lần, miết đều kê lên một nửa bề mặt của miếng bánh đa một lớp dầy khoảng 1cm. Rồi chị cầm nắm đậu xanh đã thổi chín, giã nhuyễn, nắm lại, giống như nắm đậu của bà xôi lúa, thái nhanh thoăn thoắt, đậu xanh tơi tả xuống che kín lên mặt kê.  

Tùy theo sở thích ăn ngọt nhạt của mỗi khách hàng, chị sẽ rắc hai đến ba thìa đường cát, thứ đường hoa mai tơi nhẹ như mưa xuân vào kê phủ lên lớp đậu. Cuối cùng, chị bẻ gập nửa miếng bánh đa chưa phết áp vào mặt đã phết thật khéo léo để bánh đa không bị vỡ vụn hay vãi đậu và đường ra ngoài. Để bánh đa kê ngon, cần phải nướng thật giòn bánh đa. Với bánh đa đã phết kê, bạn phải ăn ngay bởi vì chỉ cần để lâu khoảng 5 phút là bánh sẽ dai và mất hết vị ngon. Vị giòn thơm của bánh đa vừng quyện với vị mát của kê, vị bùi của đậu xanh, vị ngọt của đường kính tạo thành một món khoái khẩu của cả trẻ con lẫn người lớn.

Người nước ngoài đến Việt Nam rất thích được ngắm những gánh hàng rong, những chiếc xe đạp cũ kỹ chở đầy những món ăn đặc trưng của vùng bản xứ. Với họ, đây là một nét văn hóa mang hơi thở của hồn Việt. Với những người Việt, điều đó còn làm nên một nỗi nhớ quê nhà cho bất cứ ai đi xa xứ.

Cùng với quả ổi, chiếc bánh mật, tấm mía... bánh đa kê là món quà mộc mạc của quê nhà. Ăn một miếng bánh đa kê, ta như được trở về quê hương, gặp lại người bạn thuở ấu thơ.

(Nguồn: Báo Thái Nguyên)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *