Thắng cảnh

Vườn nhãn Bạc Liêu

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là xứ sở của vườn cây ăn trái, trong đó nhãn là loại cây được nhiều tỉnh trồng nhất. Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách phương xa đến tham quan.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày... được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Chưa hết, người dân xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thấy giống nhãn này thơm ngon, nên cũng qua tìm giống mang về Vĩnh Châu trồng thử.
Tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (quê hương xứ nhãn) có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng đến 3ha, lớn nhất ở Hiệp Thành. Khu vườn do các cụ đời trước trồng để lại, đến nay tuổi thọ đã trên trăm năm. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không xuể. Ông Trương Kiết xem cây nhãn này như là báu vật của ông bà để lại, hàng ngày ra vào chăm sóc chu đáo. Trước đây, cả khu vực trồng nhãn không có nước tưới, bởi phía trước là biển còn sau lưng là đất giồng cát. Cây nhãn phải sống nhờ vào nước mưa nhưng vẫn xanh tốt và ra hoa kết trái sum suê, hàng năm cứ đến tháng 5 là nhãn trổ bông và sau 4 tháng bắt đầu thu hoạch mỗi năm chỉ có duy nhất 1 vụ. Từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, từ đó chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm hơn. Theo ước tính của những người trồng nhãn, trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho đến 300-400kg/vụ. Những năm nhãn được giá từ 8.000-10.000 đồng/kg trở lên thì nhiều hộ trồng nhãn có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, thậm chí có hộ đạt đến cả trăm triệu đồng.

Trong những năm gần đây giá nhãn trên thị trường liên tục bị rớt, cộng với sự già cỗi, thoái hóa, giống bị lẫn tạp và thường xuyên bị sâu bệnh tấn công làm cho năng suất giảm dần. Hiệu quả kinh tế thấp, hàng loạt nhà vườn đốn bỏ nhãn cổ để chuyển sang trồng các loại cây khác, hoặc trồng các loại nhãn mới như xuồng cơm vàng, tiêu da bò..., vừa cho năng suất cao, vừa quay vòng nhanh và có thể áp dụng 2 năm - 3 vụ. Ngay cả vườn nhãn cổ của ông Trương Kiết cũng đã phá bỏ hơn 50%.

Khôi phục và giữ lại vườn nhãn cổ Bạc Liêu đang là vấn đề cấp bách đang được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Hiện thị xã Bạc Liêu đang phối hợp cùng ngành du lịch thành lập dự án chuyển khu vườn nhãn cổ sang làm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Đây được xem giải pháp khả thi nhằm bảo vệ diện tích nhãn cổ còn lại. Trên thực tế mấy năm gần đây, khoảng 15 hộ ở Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông đã tự thiết kế lại vườn nhãn cổ, mở điểm du lịch. Tại đây, vườn nhãn cao, thoáng mát và diện tích rộng thích hợp làm nơi cắm trại, dã ngoại, nghỉ ngơi... nhất là du khách ở các tỉnh xa thường đến vào mùa hè để thưởng thức nhãn cổ Bạc Liêu chín rộ.
                                                                                      (Nguồn:Trang TT tỉnh Bạc Liêu)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *