Thắng cảnh

Đầm Thị Nại - Bán đảo Phương Mai

Phía Đông Bắc Quy Nhơn là đầm lớn chạy dài mười cây số, bề rộng tới gần bốn cây số. Đầm này đã từng có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian thì từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắt của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là CriVinaya đã được phiên âm qua tiến Hán thành Thị-lị-bì-nại

Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Nhưng lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong sách cổ nơi đây mới có tên đầm Biển Cạn. Trong đầm ở gần phía Tây có một núi nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, tục danh gọi là tháp Thầy Bói . Có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay trên núi nhỏ vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, nhưng không phải là ngọn tháp kia mà do dân chài lập ra để thờ thủy thần

Lại có thuyết cho rằng từ xưa đến nay ở đây chằng có tháp nào cả. Gọi là tháp chẳng qua vì khóm đá trông xa hình thuôn như cái tháp mà thôi. Còn thầy bói ở đây là tên một giống chim ăn cá, ngoài Bắc gọi là chim Bói Cá, con người Bình Định gọi là chim Thầy Bói. Đầm cạn nước, dễ bắt cá nên loài chim này kéo về đây kiếm ăn rất nhiều. Lúc mỏi cánh chim thường tụ tập trên khối đá nên có tên như vậy. Không rõ thực hư ra sao, cách giải thích nào là đúng, nhưng tháp thầy bói nhô lên trong đầm đã làm cho cảnh quan thêm sinh động, duyên dáng. Mỗi buổi ban mai, trước khi mặt trời nhô lên khỏi dãy Triều Châu, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên. Đầm Thị nổi tiếng là nhiều cá và cá ngon, nhất là cá Nục. Có hai loại cá Nục: Nục Vọng và Nục Gai. Cá nhiều ăn không hết, người ta phơi khô, làm mắm. Làm Muối, nấu mắm là nghề truyền thống có từ lâu đời của cư dân sống quanh đầm. Ai đã vào Bình Định hẵn không quên hương vị  nước mắm Gò Bồi, thứ mắm làm cá nục Thị Nại.

Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã. Trong tiếng Việt Cổ, giã là biển. Sau này ở một vùng giã trở thành chỉ nghề đánh cá biển. Có lẽ trước đây cửa biển này là nơi thường xuyên ra vào của thuyền bè đánh cá nên mới có tên như vậy và từ lâu những sản phẩm của biển cả đã ngược theo sông Côn lên đến tận miền thượng để đổi lấy lâm sản.

Ai về của Giã chiều hôm  

Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên   

Thông thường của này vẫn được gọi là cửa Thị Nại. Cửa được tạo bởi Mũi Rùa bên bờ phía Tây và Gành Hổ thuộc dãy núi Phương Mai bên bờ Đông, trong thế “thủy khẩu giao nha”. Theo quan niệm phong thủy, đó là một hình thế đẹp. Nằm về phía đông đầm Thị Nại, như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai là đoạn cuối cuàng của dãi núi Triều Châu. Đây là một vùng núi thấp có nhiều đoạn nhấp nhô. Cao hơn cả hòn Chớp Vung, hòn Mai, hòn Diệp Chữ… Nhìn từ xa, Phương Mai như đầu một con rồng thân nằm dài về phía Bắc, đến tận cửa Đề Gi. Tận cùng phía Nam của bán đảo là một mũi nhọn hình mũi mác với nhiều hốc đá hiểm trở, chim yến thường kéo về làm tổ. Dân trong vùng thương gọi đây bằng hai cái tên Mũi Mác và Mũi Yến. Dãy núi phia Tây Bắc Mũi Mác có một nhánh nhỏ, nhọn sắt như nanh cọp, chĩa về phía Tây, tục gọi Gành Hổ, trong các sách cổ gọi là hổ Ki. Nằm kẹp giữa hai dải núi này là một động cát, trên có bàu nước ngọt khá lớn. Bán đảo Phương Mai được nối với dãy Triều Châu bằng một dải núi dài chừng hai cây số, bề ngang chỉ hẹp độ nửa cây có tên Eo Vược. Giải thích tên gọi và hình dạng của eo núi, truyền thuyết dân gian kể rằng, ngày xưa nước đầm Thị Nại không ăn sâu vào bán đảo như hiện nay. Một hôm, có một ông Khổng lồ đến đây be bờ tát cá trong đầm. Thình lình có một con cá Vược rất lớn tung mình qua núi nhảy vọt ra biển. Ông Khổng lồ chạy theo nhưng chụp không được. Tức quá ông mới dậm chân, khiến đất núi sụp xuống. Vết chân giận dữ của ông chính là vùng biển ăn sát phía Tây dải núi. không hiểu vì truyền thuyết Khổng lồ tát cá hay vì hình dáng giống cái gầu mà vũng nước này có tên gọi Sòng Tát khổng lồ, còn dải núi sau đó có tên là Eo Vược. Bán đảo Phương Mai núi dăng hiểm trở, nhưng xen vào các vách đá và ở dìa chân núi có những thung lũng và những khoảng trống để hình thành các điểm dân cư, tụ tập chủ yếu thành ba xã Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải và một phần phường Hảo Cảng. Dân ở đây sống bằng nghề biển và nghề nông, quanh năm chài lưới và làm ruộng.

Do địa thế hùng hiểm, bán đảo Phương Mai còn dấu mình những di tích kỳ bí. Hiện còn những ngôi chùa tên dân gian là chùa Phật Lồi. Chùa ở Hải Giang, xã Nhơn Hải. Trong chùa hiện có thờ một pho tượng bằng đá sa thạch, cao bằng hình người, sau lưng có bốn chữ Phạn, dân quen gọi là chữ bùa. Yheo lời kể của dân địa phương thì người ta đã tìm thấy pho tượng này ở mé bàu nước ngọt, dưới chân núi Phương Mai, rồi đem về thờ ở đây. có không ít những giai thoại huyền bí xung quanh pho tượng này. Người ta truyền lại rằng xưa kia pho tượng này vốn ở Cù Lao Xanh. Bỗng một hôm tượng biến mất. Dân đảo đi tìm khắp nơi mà không thấy. Mãi về sau, nghe tin dân ở Phương Mai tìm được tượng, dân cù lao tới xem thì thấy đúng là pho tượng mà họ đã mất, mới xin được rướt về. Hàng trăm trai tráng khỏe mạnh xúm vào mà không sao khiêng nổi. Họ cho là pho tượng muốn ở lại nơi đây nên đành cúng cho Phật Lồi ở Hải Giang. Lại có chuyện kể rằng, vào những năm dịch bệnh hoành hành, tượng thường đổ mồ hôi. Dân địa phương bôi son vào lưng tượng, lấy giấy màu vàng in hàng chữ bùa rồi đem về dán ở cửa nhà, sau đó đốt đi thành tro, hòa vào nước lã uống thì khỏi bệnh. Người khỏe mạnh uống thứ nước đó cũng tránh được dịch. Những câu chuyện mang màu sắc mê tín như vậy đã làm tôn thêm vẻ kì bí của ngôi chùa cùng pho tượng. Ngày nay chẳng còn mấy ai tin vào những câu chuyện ấy, nhưng đến Phương Mai, chẳng ai lại không muốn đến tham quan ngôi chùa và chiêm ngưỡng pho tượng đá, một pho tượng đá, một tác phẩm nghệ thuật đã sống cùng thời gian nhiều thế kỷ.

(Nguồn: binhdinh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *