Lễ hội

Lễ hội Xương Giang

Lễ hội Xương Giang được mở ra ở đất Bắc Giang bắt đầu vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng theo lịch sử chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần một tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Chiến thắng Chi Lăng - Xương giang chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ XV. Trận đánh quân Minh ở  Xương Giang được sử sách coi là trận quyết chiến chiến lược của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thời kỳ đó. Vì thế, lễ hội Xương Giang là lễ hội phản ánh lịch sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc, thông qua các hình tượng văn hoá ngay trên mảnh đất Xương Giang lịch sử.

Theo các tài liệu lịch sử, chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm 1427 đến ngày mồng 3 tháng 11 năm 1427. Trong khoảng thời gian này đã diễn ra bốn trận thắng lớn của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo.
Trận thứ nhất là trận Chi Lăng ngày 10 tháng10 năm 1427. Trận này đội quân tiên phong của quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy bị bẻ gẫy. Thái tử Liễu Thăng bị chém ở khu vực ải Chi Lăng.

Trận thứ hai là trận Cần Trạm (thuộc khu vực Kép, Lạng Giang ngày nay) vào ngày 15 tháng 10 năm 1427. Tại đây viên tướng giặc Bảo Định Bá Lương nhà Minh phải tự vẫn.
Trận thứ ba là trận Hố Cát ngày 3 tháng 11 năm 1427, diễn ra trên cánh đồng Xương Giang. Cánh đồng này gồm các khu vực lớn ở các xã Tân Dĩnh, Xuân Hương, Mỹ Thái (Lạng Giang) và Thọ Xương Bắc Giang.

Tại cánh đồng Xương Giang, quân Minh do hai viên tướng là Thôi Tự và Hoàng Phúc chỉ huy đã bị vây chặt trong cánh đồng này, khiến cho chúng không còn cách nào tiến lên để chiếm lại thành Xương Giang, khi ấy đã về tay nghĩa quân Lam Sơn và do nghĩa quân làm chủ. Sau hơn 10 ngày cố thủ ở đồng Xương Giang, quân Minh đã sức cùng lực kiệt, lương hết, đói mệt, không còn đủ sức chiến đấu. Lúc này nghĩa quân Lam Sơn mở cuộc tiến quân, quét một trận tan sạch hơn bảy vạn quân ở cánh đồng này kết thúc chiến cục Chi Lăng - Xương Giang, buộc quân Minh ở Đông Đô (Hà Nội) phải đầu hàng, xin rút quân về nước. Đất nước Đại Việt mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ của chế độ phong kiến Việt Nam.

Dù đã trải qua hơn năm thế kỷ, dư âm của chiến thắng Xương Giang vẫn còn vang dội. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường xã, giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh từ các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội. Không khí cờ hoa, biểu ngữ, các đoàn quân hành tiến trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc vang lừng làm cho cả thành phố Bắc Giang khí thế hẳn lên.

Trước ngày khai hội, tối mồng 5 tháng giêng, thanh niên tổ chức đốt lửa trại. Họ nắm tay nhau, kết vòng tay lớn  quanh đống lửa trại. Đêm hôm ấy, các làng, các thôn, phường, xã cùng rậm rịch hầu như không ngủ. Mọi người chuẩn bị cho cuộc hành rước hôm sau. Tại các đình, chùa, đền. miếu và nhà văn hoá đèn đuốc suốt đêm để tới canh năm hôm sau tề chỉnh săp hàng ngũ, chiêng trống kéo về nơi khai hội.

Lễ dâng hương được tổ chức ở trung tâm khai hội rất long trọng. Ở đây, các lễ chào cờ, lễ đọc diễn văn, đọc " Đại cáo bình Ngô ", lễ múa ra quân được tiến hành. Giữa các lễ này đều có nhạc hiệu làm nền vang lên trầm hùng và thức giục lòng người.

Sau khi dâng hương, các đoàn rước trở về làng mình, làm lễ An Vị đưa xếp các đồ tế khí, kiệu, ngựa vào vị trí cũ. Sau đó bắt đầu vào hội lệ của làng làng Thành và làng Vẽ. Cờ, kiệu, ngựa…được đóng tại trước sân đình. ở khu vực đình, chùa hai làng, các trò vui được tổ chức như: Đu, đu quay, cờ bỏi, cờ tướng, hát chèo nhà chùa, dâng hương lễ phật, tế thành hoàng và có tổ chức hương ẩm tới ngày mồng 7 tháng Giêng mới dứt.

Lễ hội Xương Giang là lễ hội mới tổ chức lại. Hình thức khai hội thay đổi theo từng năm rất phong phú.

(Nguồn: dulichbacgiang.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *