Lễ hội

Lễ hội Pháo hoa

Lễ hội Pháo hoa huyện Quảng Uyên là một nét văn hoá đặc sắc từ xưa đến nay ở Cao Bằng gắn liền với sự linh thiêng của miếu Bách Linh.

           Miếu Bách Linh nằm ở phía bắc thị trấn Quảng Uyên, dưới chân núi Cốc Bó, cách thị trấn khoảng 100m. Miếu Bách Linh thờ 100 điều linh thiêng, đứng đầu là con rồng, một trong tứ linh “Long, Ly, Quy, Phượng”. Không ai còn nhớ rõ miếu được xây dựng năm nào, qua nghiên cứu và khảo sát thực tại miếu có hiện trạng ban đầu bằng gỗ, đến năm Khải Định thứ sáu (1912) miếu được tu sửa và xây dựng hoàn toàn bằng gạch, do tri châu Quảng Uyên người Thái Bình đứng ra xây dựng và thợ dưới xuôi lên xây nên kiến trúc có dáng dấp như một ngôi chùa ở dưới xuôi gồm: tam quan, sân, tiền đường và hậu cung, nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là “Chùa Bách Linh”.

Miếu Bách Linh còn gắn liền với lễ hội Pháo hoa - một lễ hội lớn của tỉnh. Hội được tổ chức vào ngày mùng 1-2 tháng 2 âm lịch hàng năm, tạo cho mọi người dân tâm trạng phấn chấn, tin tưởng bước vào một vụ mùa sản xuất mới, hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Ngày 2/12/2003, miếu Bách Linh được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Lễ hội Pháo hoa gồm 2 phần: phần lễ thực hiện từ chiều 30 tháng giêng. Trước tiên là công việc dọn dẹp miếu phải do những cụ cao tuổi thực hiện. Sau đó làm lễ khai quan cho rồng. Rồng với tư cách là chúa tể các vùng sông nước. Nhưng khi rồng bay lên được gắn với việc sinh ra sấm và mưa là biểu hiện hoạt động của bầu trời. Nó là biểu hiện của các cơn mưa thần thánh làm tươi tốt đất đai. Hứa hẹn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, rồng được khai quan từ một mỏ nước (dân địa phương gọi là Bó Cốc Chủ - mỏ nước ở gốc cây cổ thụ). Lễ khai quan: chọn một cụ cao tuổi, có uy tín, nhiều con cháu làm chủ lễ và một đội Rồng bao gồm 25 người, 3 người đánh trống, 1 người cầm quả vầu và 11 người múa rồng làm lễ tại mỏ nước. (Khi đi ra mỏ nước rồng không được múa, không được đánh trống, mắt rồng được bịt bằng giấy bản, đến mỏ nước rồng nằm phục ở đó). Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho mọi người dân trong huyện, một năm ăn nên làm ra, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng. Lễ xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy tiết xoa vào hai mắt rồng, rồi bỏ giấy ở mắt rồng ra. Lúc này rồng đã được mở mắt, sau 3 hồi trống nổi lên để đánh thức rồng - rồng bắt đầu cử động từ đầu đến thân rồi đến đuôi. Sau đó đốt pháo, trống thúc giục và rồng bay lên. Bay quanh mỏ nước 3 lần rồi rồng đi vào “miếu Bách Linh”. (Trong miếu đã được đặt lễ và thắp hương). Rồng vào miếu vái 3 lần, đi vòng miếu một vòng rồi đi ra ngoài. Lễ rước thần (thực hiện vào ngày hội chính tức ngày 2/2 âm lịch): gồm có 4 đoàn rước kiệu, trước đây chỉ có 3 kiệu, sau này có thêm kiệu rước ảnh Bác, mỗi kiệu 4 người khiêng, mặc đồng phục. Đi đầu là kiệu rước ảnh Bác. Thứ 2 là kiệu rước thần (đây là thần đại phương) trên kiệu có 1 bát hương to. Thứ 3 là kiệu pháo hoa, trước đây kiệu này được xếp rất nhiều pháo to, nhỏ khác nhau, trong đó có đầu pháo. Mấy năm gần đây khi có chỉ thị cấm đốt pháo, bàn này chỉ có một lọ hoa to nhiều màu sắc. Cuối cùng là kiệu rước một con lợn quay, đây là phần thưởng của đội thắng cuộc trong trò chơi - cướp đầu pháo. Bốn kiệu lễ này đi trước, đoàn rước rồng theo sau.

Lễ rước thần được xuất phát từ miếu Bách Linh. Sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu, đoàn rước bắt đầu đến đền thờ Nùng Trí Cao, đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố đến từng gia đình. Trước đây rồng đến cơ quan, nhà dân đều được đốt pháo đón mừng, coi như lộc đến nhà, mấy năm nay không được đốt pháo nữa rồng vẫn được thắp hương chào đón và được mời rượu (xem như việc thần linh đi kiểm tra, quan sát xem dân làm ăn như thế nào và đem lộc đến cho họ nên rồng được tiếp đón rất nồng nhiệt).

Chiều ngày 2/2, phần hội được tổ chức tại sân vận động trung tâm huyện. Tại đây diễn ra nhiều trò chơi dân gian: múa rồng, múa kỳ lân, tung còn, hát lượn, chơi đu và nhiều hình thức thể thao: đá bóng, cờ tướng, võ dân tộc... Một phần không thể thiếu là trò chơi cướp đầu pháo - một trò chơi tiêu biểu trong ngày hội. Đầu pháo là một chiếc vòng sắt được trang điểm bằng tua ngũ sắc rực rỡ. Quả pháo được quấn chiếc vòng này là quả pháo cỡ lớn. Vào hội, pháo được đặt trên một chiếc đài cao. Tranh đầu pháo chính là cướp chiếc vòng ở quả pháo lớn; có nhiều đội ở các xã tham gia trò chơi này. Sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các lực sỹ của đội bắt đầu tranh cướp, người cầm được đầu pháo bằng mọi cách mang được đến Ban tổ chức, coi như đội đó thắng cuộc. Những năm gần đây, khi có chỉ thị cấm đốt pháo Ban tổ chức lễ hội đã tiến hành trò chơi này bằng cách đứng trên cao rồi tung vòng sắt ra cho các đội vào tranh cướp đầu pháo như thường lệ. Mọi người quan niệm rằng, trong ngày hội này ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại nhiều vinh dự lớn cho địa phương mình. Xã nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là 1 con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần. Phần thưởng đó sẽ được đoàn rước đưa về tận nơi và kiệu đó cũng đã để lại cho địa phương một năm hương khói cầu lộc. Đến năm sau, địa phương đó lại chuẩn bị một con lợn quay trên kiệu để đoàn rước rồng đến lấy làm phần thưởng cho đội nào thắng cuộc trong năm đó

(Theo hdndcaobang.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *