Lễ hội

Lễ hội Nghinh Ông Bến Tre

Trong chiều sâu tâm thức, ngư dân các vùng ven biển miền Trung và Nam bộ luôn đặt tin tưởng vào sinh vật khổng lồ vừa hiền vừa thiêng là cá Voi mà bà con gọi một cách kính trọng là cá Ông. Truyền thuyết kể rằng cá Ông từng cứu Nguyễn Ánh thoát chết trên đường bôn tẩu trốn thoát sự truy đuổi của quân Tây Sơn bằng đường biển về phía Nam, nên được vua Gia Long ban sắc phong Nam Hải tướng quân Ngọc lân thượng đẳng thần.

Nếu như tín ngưỡng thờ Thành Hoàng bổn cảnh và lễ hội Kỳ Yên chỉ diễn ra trong khuôn viên của đình làng là lễ hội to nhất của cư dân trồng lúa nước và làm vườn, thì tín ngưỡng thờ cá Ông và lễ hội Nghinh Ông lại vừa diễn ra ở lăng thờ cá Ông và cả trên mặt biển, cũng là lễ hội quan trọng nhất của ngư dân ven biển.

Bến Tre là vùng đất thuộc hạ lưu sông Cửu Long . Thuỷ, hải sản được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Một trong những lễ hội lớn nhất và tưng bừng nhất ở Bến Tre là lễ hội Nghinh Ông của ngư dân ven biển. Các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đều có lăng Ông. Dịp lễ hội, hằng trăm tàu thuyền đánh bắt cá của huyện, của tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và các tỉnh có ngư dân đánh bắt trên vùng biển Bến Tre, dù đang hành nghề trên biển vẫn phải quay về tập trung ở Cửa Đại cuối nguồn sông Cửu Long cùng tham gia dự lễ Nghinh Ông.

Lễ gồm các mục: Túc yết; Nghinh Ông; Tế tiền hiền, hậu hiền; lễ Chánh tế và Xây chầu đại bội. Vào lễ, các thuyền đánh cá đều chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi thuyền, chủ nhân bày mâm cúng gồm trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo cùng với hương hoa.

Khởi đầu là lễ Túc yết với nghi thức đơn giản được tiến hành tại lăng Ông. Mọi người dân trong vạn lạch, từ những ngày trước đã góp tiền làm lễ cúng Ông. Đóng góp tự nguyện tuỳ tấm lòng, không phân biệt người đóng góp nhiều hay ít, có hay không có đóng góp. Đêm đầu tiên của lễ hội có một nghi thức không hoàn toàn bắt buộc, tuỳ theo ban tổ chức: đó là lễ Cầu an. Ông chánh bái và phó chánh bái quay mặt vào điện thờ khấn vái. Ông phó chánh bái đội tờ sớ xin cầu an lên đầu, quỳ lạy. Tám nhà sư quỳ thành hai hàng ở phía sau, rồi đứng lên tụng kinh làm lễ cầu an cho vạn lạch. Lá sớ cầu an được đốt vào cuối buổi lễ.

Sáng hôm sau là nghi thức Nghinh Ông. Tất cả ngư dân trong vạn chài đều phải tham gia. Dẫn đầu đoàn ra khơi Nghinh Ông là ông chánh và phó chánh bái, theo sau có bốn học trò lễ, bốn đào thài (hai đào nam, hai đào nữ), tám người mang bát bửu, chấp kích, một người vác cờ có chữ Nam Hải, bốn người khiêng long đình, hai người cầm lọng, một người vác cờ lớn cùng với phường bát âm khiêng long đình và đồ lễ từ lăng thờ cá Ông tiến ra cửa sông để xuống một thuyền riêng được chọn sẵn, gọi là thuyền lễ. Chiếc thuyền mang số chẵn được chọn là thuyền của gia chủ song toàn nhất trong vạn, làm ăn phát đạt. Trên thuyền có một bàn bày các lễ vật: một heo quay, hai đĩa lòng (một đĩa sống, một đĩa chín), một đĩa bánh hỏi cùng hoa quả. Hai bên heo quay có 12 bát và 12 đôi đũa. Sau thuyền lễ là thuyền múa lân, kế tiếp là đoàn thuyền gồm hàng trăm chiếc của ngư dân trong vạn lạch. Trên từng chiếc thuyền đều có bày đồ lễ cúng. Tất cả cùng tiến ra biển khơi làm lễ rước Ông. Thuyền lễ, thuyền múa lân và các thuyền ngư dân đều có thả một sợi dây buộc chùm vải ngũ sắc xuống nước. Khi đoàn thuyền đến chỗ giáp nước (giữa nước sông và nước biển gặp nhau) thì cả đoàn lượn quanh nhiều vòng. Ông chánh bái bắt đầu đợi Ông lên vọi. Ngư dân tin rằng nếu gặp Ông lên vọi thì điềm lành, năm đó vạn lạch gặp may mắn, làm ăn phát tài. Trường hợp Ông không lên vọi thì chánh bái sẽ xin keo âm dương. Nếu hai đồng tiền tung lên rơi xuống mặt đĩa mà có đồng úp đồng ngửa thì coi như Ông Nam Hải đã chấp thuận lòng thành của ngư dân. Ngay sau đó thổi lên một hồi tù và vang động một vùng biển. Trước đây các thuyền còn đốt pháo. Sự hứng khởi tột độ của ngư dân lúc này đã khiến tất cả các thuyền chạy ào ào hỗn loạn và đi đầu vẫn là thuyền lễ. Khi trở về đến bến xuất phát, người ta khiêng long đình, hương án và tất cả đồ lễ lên bờ, rước về lăng Ông. Chánh và phó chánh bái mang bát hương Nghinh Ông đặt trở lại bàn thờ ở lăng. Sau khi các nghi thức an vị và các thủ tục khấn vái, lễ Nghinh Ông kết thúc. Ngư dân tin Ông Nam Hải đã về ngự tại điện thần, chứng giám lòng thành của họ.

Sau đó, lễ Tế tiền hiền, hậu hiền bắt đầu. Lễ vật là món mặn và có bốn mâm xôi (ba mâm trắng, một mâm đỏ). Sau một hồi chiêng, một hồi trống và nhạc lễ, ông chánh và phó chánh bái cùng các bồi tế dâng lễ nến và hoa. Kế tiếp là lễ dâng thức ăn, dâng rượu và đọc văn tế xin vong hồn tổ tiên cùng các cô hồn về chung hưởng.

Trước khi bước vào nghi thức Xây chầu đại bội thì các đào thài lạy trước điện thờ Ông Nam Hải. Lễ vật là một con heo trắng đã mổ, cạo sạch lông, quay đầu về phía bàn thờ Ông, bát huyết đặt bên cạnh, lá mở chài phủ lên đầu heo. Người cầm chầu là ông chánh bái, dân chúng trong vạn lạch ngồi xem hát bội ở ngay nhà võ ca. Các đào thài hát múa cho dân chúng xem và cho Ông Nam Hải vui lòng.

Nghi thức lễ Chánh tế được tiến hành vào giữa đêm 16-6 âm lịch, vào lúc giao điểm giữa hai ngày. Sau các nghi thức: củ soát tế vật, tựu vị, chỉnh y... ban tổ chức chọn một người lớn tuổi có đức độ được ngư dân trong vạn lạch kính trọng, làm nhiệm vụ khai mỏ. Kế đến là nghi thức khai chiêng và khai trống đều được đánh theo hồi, theo nhịp quy định. Khi ngưng nhịp trống thì sàn nhạc lễ bắt đầu nổi lên. Ông bồi tế dâng nến, hoa cho ông chánh bái. Nến và hương được nâng lên ngang trán, chánh bái khấn vái. Nến và hương được đặt trên bàn thờ thì học trò lễ và các đào thài vừa đi từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ quanh điện thần, vừa hát chúc thần. Kế đến là nghi thức dâng rượu, các học trò lễ nhận rượu từ tay chánh bái bước lên dâng thần, các đào thài theo sau hát chúc thần. Sau tuần rượu thứ nhất, chánh bái bắt đầu đọc tế văn Ông Nam Hải. Tuần rượu thứ hai, thứ ba được tiến hành cùng với lời khấn. Sau đó bốn đào thài dâng trà và vái lạy trước bàn thờ Ông. Cuối cùng là nghi thức đốt văn tế. Tất cả ban khánh tiết, học trò lễ, đào thài vái lạy Ông lần cuối. Nghi thức Chánh tế kết thúc cũng đồng thời kết thúc lễ hội Nghinh Ông của người dân vạn lạch.

Tập quán thờ cúng cá Ông đã tạo ra một lễ hội quan trọng trong đời sống văn hoá các huyện, xã ven biển. Lễ hội Nghinh Ông là dịp để người dân làm nghề biển thư giãn, lấy lại thăng bằng tâm linh sau những ngày lao động vất vả, đồng thời tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật thiêng ở biển mà trong tâm thức của ngư dân có một niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông khi gặp tai nạn. Do vậy, lễ hội là ngày vui tưng bừng đối với người dân vùng biển. Không khí náo nức, tràn trề hưng phấn bắt đầu từ khi chờ đợi Ông lên vọi ngoài khơi, khi thấy việc xin Ông làm chứng đã hoàn tất qua động tác xin keo của chánh bái. Dọc đường đoàn thuyền ra khơi Nghinh Ông trở về, hai bên bờ sông các thuyền đều chăng kết hoa, bày lễ vật cúng và đốt pháo tưng bừng. Ở tại nhà suốt ngày hôm ấy, các ngư dân mời thỉnh lẫn nhau, kể cả khách từ nơi xa đến cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình.

                                                                                            (Theo www.baocantho.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *