Lễ hội

Lễ hội Mường A Ma của dân tộc Xinh Mun

Lễ hội A Ma (lễ hội cầu mùa) là nét văn hoá tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào dân tộc Xinhmun. Thường trong khoảng 3 – 5 năm, lễ hội Mường A Ma được tổ chức một lần. Người đứng ra tổ chức, chủ trì lễ hội là thầy mo trong bản.

Đây là hình thức sinh hoạt văn hoá tập thể lành mạnh, lễ hội Mường A Ma đã góp phần vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo bầu không khí vui tươi phấn khởi, hướng người dân theo những cái thiện, xa rời cái xấu.

Lễ hội Mường A Ma có phần lễ và phần hội. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hoà, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để lợn gà, trâu, bò không bị dịch bệnh, sinh sôi đầy chuồng, để con người khoẻ mạnh không bị ốm đau, để bản mường mãi mãi hưng thịnh. Phần hội tưng bừng, náo nhiệt với rất nhiều trò vui dân gian mang tính nghệ thuật và giáo dục cao, diễn tả lại hiện thực cuộc sống của cộng đồng dân tộc Xinhmun như: múa Tăng bu, To luồng, múa kéo thuyền, chơi “to miếng” (đấu võ), chơi “giắc klsù” (bắt tổ ong)….

 Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau, khi mùa màng đã thu hoạch xong và năm đó được mùa. Mặc dù tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng lực lượng làm công việc chuẩn bị lễ vật, cỗ bàn, đặc biệt là lực lượng tham gia phần hội thì bao gồm cả bản.

(Nguồn: www.sonla.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *