Lễ hội

Lễ hội lịch sử di tích cột cờ Hưng Hoá

Cột cờ Hưng Hóa được xây dựng tại thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông. Cột cờ Hưng Hóa được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1999.   

Cột cờ và Thành Hưng Hóa nổi tiếng trong phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX. Sự kiện quan trọng này gắn liền với tên tuổi của nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà thơ Nguyễn Quang Bích (1832 - 1891).

Nguyễn Quang Bích sinh ngày 08 tháng 04 năm Nhân Thìn, tức ngày mùng 7 tháng 5 năm 1832 và ông mất ngày 15 tháng Chạp năm Canh Dần, tức ngày 24 tháng 01 năm 1891 (ngày, tháng theo Hội thảo cấp Quốc gia nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nguyễn Quang Bích). Quê của ông ở làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương nay là huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Nơi mất của ông là ở phía Nam dãy núi Tôn Sơn, xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Sau khi thi cử thành đạt, Nguyễn Quang Bích bắt đầu nhậm chức Tri phủ Lâm Thao, Diên Khánh (1869). Năm 1872, ông được bổ nhiệm là án sát Sơn Tây, rồi được mời về Huế làm Tế tửu Quốc Tử Giám tức Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Đô. Năm 1875, triều đình Huế bắt đầu cho xây dựng doanh điền Hưng Hóa để làm kế phòng thủ Bắc Kỳ, Nguyễn Quang Bích lại được cử ra Bắc để làm Chánh sứ sơn phòng Hưng Hóa. Và chính tại nơi đây cột cờ và thành Hưng Hóa cùng với cuộc đời và tên tuổi của Nguyễn Quang Bích đã đi vào lịch sử dân tộc cùng với những trang sử oanh liệt của phong trào Cần Vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX, bên cạnh tên tuổi của những sỹ phu yêu nước khác như Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thiện Thuật, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Xuân Ôn…

Hưng Hóa là vị trí quan trọng của các vương triều, “Dư địa chí” (thế kỷ XV) của Nguyễn Trãi cho biết từ đầu thế kỷ XV Hưng Hóa đã là trụ sở của đạo Hưng Hóa. Quốc sử triều Nguyễn ghi lại “Lỵ sở được đóng ở Trúc Phê (tức Hưng Hóa), huyện Tam Nông, tỉnh Sơn Tây”. Có thể nói từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII vai trò trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị của toàn xứ của Hưng Hóa đã được xây dựng và phát triển.

Bước sang thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), chia cả nước thành 29 tỉnh, tỉnh Hưng Hóa (gồm toàn bộ vùng rừng núi Tây Bắc giữa 2 con sông Đà và sông Lô ngày nay) được thành lập, tỉnh lỵ vẫn đặt tại Hưng Hóa. Thời kỳ này Hưng Hóa đã được bổ sung một công trình quân sự quan trọng, đó là cột cờ và thành Hưng Hóa.

Thành Hưng Hóa (trong đó có cột cờ Hưng Hóa) được xây dựng theo kiểu thành Vô - Băng (Vobannd, 1663 - 1707) do một kỹ sư quân sự của Pháp được phong nguyên soái, đã sáng chế ra một kiểu thành mang tên ông. Thành Hưng Hóa là một đồ án hình vuông, nằm hơi chếch theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, mỗi cạnh chừng 360m. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết như sau: Thành Hưng Hóa có chu vi hơn 360 trượng (1440m), cao 01 trượng 02 thước 01 tấc (gần 05m), hào rộng 02 trượng 02 thước (gần 9m), sâu 6 thước 9 tấc (2,8m), mở 4 cửa, đời Gia Long đắp thành đất, năm Minh Mệnh thứ 3 (1882) được xây bằng đá ong. Một tấm bia nhỏ còn lại ở chân cột cờ cho biết cột cờ Hưng Hóa được xây dựng năm Thiệu Trị thứ 3 (1842) sau cột cờ Hà Nội và cột cờ Nam Định.  

Cột cờ và thành Hưng Hóa do Nguyễn Quang Bích trấn thủ có một vị trí quan trọng, từ đây có thể triển khai về xuôi, lên ngược rất thuận tiện. Đây là nơi mà nhà sỹ phu yêu nước Nguyễn Trường Tộ, nhà cải cách giữa thế kỷ XIX trong các bản điều trần tâm huyết của mình đã từng lưu ý triều đình Tự Đức “Phải giữ vững Tam Tuyên để làm kế lâu dài”. Sau khi Hà Nội bị thất thủ lần thứ hai (25/4/1882) và nhất là khi buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước ngày 15/8/1883, xác định quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, thực dân Pháp kéo quân ra Bắc đánh chiếm nhiều nơi nhằm hoàn thành gấp công cuộc xâm lược trong phạm vi cả nước. Trong số các căn cứ quan trọng chỉ còn lại thành Hưng Hóa. Sau khi thành Sơn Tây thất thủ, Hưng Hóa với vị trí án ngữ con đường sông đã trở thành tỉnh lỵ của Tam Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang). Tháng 4 năm 1884, sau khi chiếm được các tỉnh ở Bắc Kỳ, Pháp dồn lực lượng lên tấn công thành Hưng Hóa. Trước đó quân đội Hoàng Kế Viêm cũng như quân đội triều đình Mãn Thanh đã rút khỏi Hưng Hóa để tránh đụng độ với quân Pháp. Chỉ còn quân đội Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với đại quân của Nguyễn Quang Bích tất cả là hơn 1000 người ở lại, cương quyết giữ thành. Cuộc chiến đấu không cân sức với 7000 quân Pháp đã diễn ra quyết liệt trong hai ngày 11 và 12 tháng 4 năm 1884.

Cuối cùng thì Thành Hưng Hóa thất thủ. Khi biết tình thế không tránh khỏi Nguyễn Quang Bích đã trèo lên Kính thiên đài trên đỉnh Cột cờ Hưng Hóa nhằm noi theo hành động của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương nêu tấm gương cùng chết với thành. Nhưng quân sỹ đã kịp thời ngăn giữ lại được và đưa ông xuống khỏi kỳ đài vực ông lên ngựa và rút khỏi Hưng Hóa an toàn, để bắt đầu tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đây, Nguyễn Quang Bích trở thành một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương kháng Pháp ở vùng thượng du Bắc Kỳ. Nguyễn Quang Bích, vị quan văn được nhân dân coi là “Phật sống” đã nhận một vai trò trách nhiệm lớn lao là lãnh đạo nhân dân chống lại bọn xâm lược. Tư tưởng lớn lao ấy được thể hiện trong lời căn dặn con trai của ông vào năm 1889: “Ta đã đem thân báo đền ơn nước, thì không cần đi lại thăm hỏi làm gì nữa. Sau này, cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất thủ làm ngày giỗ ta”.

Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Nguyễn Quang Bích được vua Hàm Nghi phong “Thượng thư Bộ lễ kiêm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần”. Ông liên lạc với các tổ chức lớn nhỏ ở trong vùng, gắn bó họ lại trong một hệ thống phòng ngự rộng lớn, liên hoàn, hộ ứng với nhau, đồng thời cũng tìm chọn một căn cứ ở vùng Tiên Động (Cẩm Khê), để làm trung tâm lãnh đạo kháng chiến lâu dài. Nhờ uy tín của ông, phong trào kháng chiến lại bùng lên mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, các thân hào, nghĩa sỹ của các tỉnh đều đồng loạt hưởng ứng.

Cột cờ thành Hưng Hóa là một vị trí trọng yếu trên sông Thao, án ngữ các mạch giao thông chính về đường thủy, như sông Lô đi Tuyên Quang, sông Đà đi Sơn La - Lai Châu. Vì vậy triều đình Huế từ đầu thế kỷ XIX đã coi thành Hưng Hóa là phên dậu miền Tây Bắc của Hà Nội.

Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ của kháng chiến về “Vườn không nhà trống”, nhân dân đã tháo dỡ cột cờ.

Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu II và UBND tỉnh Phú Thọ, năm 2009 UBND huyện Tam Nông tiến hành phục hồi, xây dựng cột cờ trong khu vực doanh trại của Lữ đoàn Công binh 543. Cột cờ Hưng Hóa được khởi công xây dựng ngày 19/2/2009 (ngày 25/1 năm Kỷ Sửu); hoàn thành ngày 25/11/2009 (ngày 9/10 năm Kỷ Sửu). Quy mô kiến trúc: Như nguyên trạng của cột cờ cũ; đế lớn hình vuông, rộng: 17,52m, cao: 2,4m; đế nhỏ hình vuông, rộng: 11,4m, cao: 3,1m; thân cột cờ hình bát giác, bên trong có 55 bậc, cao 18,34m; tổng chiều cao cột cờ: 23,84m. Cột cờ có dáng dấp mẫu hình cột cờ thành Hà Nội, Nam Định đều theo một thức kiến trúc nửa đầu thế kỷ XIX.

Ngày nay, thành Hưng Hóa, không còn nữa, dấu vết tòa thành chỉ còn dấu tích móng tường bằng đá ong. Vị trí thành Hưng Hóa, cột cờ Hưng Hóa gắn liền với Danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích. Một số di lích liên quan đến cuộc đời ông đã được nghiên cứu và xếp hạng di tích lịch sử như: Căn cứ Tiên Động - huyện Cẩm Khê, khu lưu niệm gồm Từ Đường, cây Đa, gò Chài và phần mộ ở xã Trình Phố -  tỉnh Thái Bình.

Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Tam Nông nói riêng, nhân dân cả nước nói chung và được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ, năm 2007 UBND huyện Tam Nông tiến hành xây dựng đền thờ Danh nhân Nguyễn Quang Bích và các sỹ phu yêu nước ở khu vực phía bên ngoài cột cờ Hưng Hóa, với quy mô kiến trúc chữ đinh.

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, cột cờ Hưng Hóa là nơi Mặt trận Việt Minh cắm cờ đỏ sao vàng, dán truyền đơn và tổ chức lễ mít tinh ra mắt chính quyền nhân dân đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Cột cờ Hưng Hóa là 1 trong 4 cột cờ cổ của Việt Nam, biểu tượng của truyền thống chống giặc ngoại xâm, một công trình văn hóa đã thấm đẫm tinh thần yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn của Danh nhân Văn hóa Nguyễn Quang Bích và các sỹ phu yêu nước.

Trong những năm qua, với ý thức tôn kính các bậc tiền nhân, các thế hệ người Việt nam hôm nay và mai sau luôn tự hào về truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất, đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha, là nơi để con cháu muôn đời hội tụ, kính cẩn tưởng nhớ tới công ơn to lớn của các bậc tiền nhân, là tấm gương tiêu biểu mãi mãi soi sáng cho các thế hệ con cháu trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam.

Để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Quang Bích cùng các sỹ phu yêu nước đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hàng năm, cứ vào dịp các ngày âm lịch: mùng 8 tháng 4 ngày sinh của ông và ngày 15 tháng Chạp là ngày mất của ông (năm 2010 kỷ niệm 120 năm ngày mất của ông), nhân dân thị trấn Hưng Hóa, Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tam Nông cùng cán bộ của huyện thường tổ chức lễ hội để tưởng niệm ông. Tuy không phải là lễ hội dân gian truyền thống, nhưng lễ hội tưởng niệm Nguyễn Quang Bích cũng được tổ chức đầy đủ cả phần lễ cùng với những lễ vật và nghi thức tế lễ thiêng liêng truyền thống: Đại tế dâng 03 tuần rượu do ban tế của thị trấn Hưng Hóa lập ra gồm có 17 người thực hiện hết sức kính cẩn, trang trọng, kèm theo còn có phần nhạc, trống, chiêng. Dân làng dâng lên ban thờ của ông cùng ban thờ các sỹ phu yêu nước những bông hoa cúc vàng, cúc trắng đẹp nhất (Hậu duệ đời thứ tư của ông cho biết khi ông còn sống, ông rất thích loài hoa này) cùng các quả ngon, những món ăn, gói bánh, rượu, thịt; phần hội có các trò chơi dân gian truyền thống, phong phú như: Kéo co, tổ tôm, leo cột, chọi gà, … Hơn thế nữa, lễ hội còn là dịp để người dân thị trấn Hưng Hóa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tôn kính Danh nhân Nguyễn Quang Bích - người đã có công chống giặc ngoại xâm trong những năm cuối thế kỷ XIX, nhân dân cũng muốn gửi gắm ước nguyện coi ông cùng các sỹ phu yêu nước như những vị thánh đang hiện hữu, đang tồn tại bên cạnh đời sống hàng ngày của người dân và phù hộ cho dân làng một cuộc sống bình an, ấm no và thịnh vượng.

Du khách về thăm Đền thờ Nguyễn Quang Bích cùng các sỹ phu yêu nước và vào thăm cột cờ Hưng Hóa tại nơi đã ghi dấu những sự kiện oanh liệt của ông và các sỹ phu yêu nước, du khách sẽ cảm nhận được những giá trị nhân văn cao cả, to lớn, bền vững, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được lưu giữ và trao truyền lại cho các thế hệ giữa các vùng rừng núi của miền Tây Bắc của Tổ quốc Việt nam.

(Nguồn: www.phutho.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *