Lễ hội

Lễ hội đình Bảo Đà

Dữu Lâu là vùng đất cổ. Tương truyền đây là nơi đặt kho tàng của các Vua Hùng.

Cùng với kho tàng văn hoá dân gian phong phú trải dài trên 11ha đồi gò san sát, nối tiếp nhau như đồi Chu Ba, Mỏ Cú, đồi Bụt, Mã Quàng, đồi Mây, đồi Bổng, đồi Gầu, gò Bông, núi Rùa, núi Nghè.v.v....; 250ha đồng ruộng như đồng Cả, Đè Mát; 60ha vùng đất bãi phì nhiêu xưa chuyên trồng dâu nuôi tằm nằm xen giữa những hồ, ao, đầm, lớn nhất là Chằm Trương, vụng Ổ Rồng... là những di tích văn hoá vật thể như đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đình Dữu Lâu, đình Quế Trạo, miếu Dữu Lâu - nơi thờ cúng những người có công với nước, với dân từ thời Hùng Vương dựng nước, được nhân dân tôn làm thành hoàng làng. Đình Bảo Đà - một ngôi đình thiêng.

Hàng năm, để chuẩn bị cho lễ hội đình Bảo Đà năm sau, dân làng họp bàn việc tổ chức lễ hội, tu bổ đình, chỉnh trang đồ khí tự, định ngày giỗ, rước chủ tế từ nhà riêng ra đình. Chủ tế do dân làng cử, người được cử làm chủ tế phải là người có uy tín, có “máu mặt”, không có “bụi”. Trong buổi hội diện này việc chuẩn bị cỗ lễ cho ngày lễ của các lềnh, việc tổ chức múa lân, hát Xoan (xuân) được thông báo cụ thể. Theo thông lệ ngày mồng 1 tháng Giêng mở cửa đình; ngày mồng 2 tháng Giêng rước chủ tế từ nhà ra đình; ngày mồng 3 cúng đình và tiệc làng, trong ngày này rước kiệu Minh văn và Bát cống; ngày mồng 5 lễ tạ và đóng cửa đình. Lễ tạ gồm ông chủ tế và ông từ. Lễ vật là một ván xôi gà do ông từ sắm, cũng ngày này chủ tế khao dân.

Ngoài lễ hội đầu xuân, đình Bảo Đà còn tổ chức lễ hội vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Lễ hội tháng 5 (dân làng thường gọi là tiệc): Được tổ chức vào ngày 15 âm lịch; lễ hội tháng 10 tổ chức vào ngày mồng 5 âm lịch. Lễ vật trong hai ngày tiệc này có xôi gà, chè kho, chuối tiêu chín, giá đỗ xào, măng tre băm nhỏ. Lễ vật chính vẫn là lợn đen, nặng từ 80kg trở lên do các lềnh sắm. 4 giáp mổ 4 lợn và có thi ngôi. 4 giáp thi lấy 5 ngôi thứ: Ngôi 1 đặt ở bàn thờ chính giữa, ngôi 2 đặt bên phải, ngôi 3 đặt bên trái, ngôi 4 đặt ở hậu cung, ngôi 5 đặt tại văn chỉ. Ban chấm giải gồm: Chủ khảo (chủ tế), ông từ, cựu chủ tế và một vài quan viên.

Thi ngôi xong thì tế. Tế lễ xong, lễ vật được chia phần cho các lềnh để chia cho dân làng theo xuất đinh.

Trong ngày tiệc có hát Xoan (Theo các cụ là hát Xoan nhưng với nội dung lời ca, thể thức thì đây là hát Ví giao duyên). Hát Xoan được tổ chức giữa trai làng Lâu Thượng với gái làng Bảo Đà. Theo lời kể của các cụ ở Bảo Đà thì trai làng Lâu Thượng bơi thuyền từ làng mình qua cống Hai Họng lên Bảo Đà hát; Đoàn đi hát gồm nhiều thuyền, mỗi thuyền thường từ 3 đến 5 người: Một bơi mũi, một cầm lái và ba nam; trang phục đơn giản: Áo quần ta, đầu buộc khăn đỏ, mình cũng thắt khăn đỏ. Nữ làng Bảo Đà thường đứng trên bờ đầm, nơi thuyền trai làng Lâu Thượng bơi qua hoặc ở bến đợi. Nữ Bảo Đà tụ tập từng tốp, mỗi tốp từ 3 đến 5 người, trang phục giản đơn: Áo cánh trắng, quần thâm, tóc vấn để đuôi gà. Trình tự cuộc hát thường mở đầu là hát chào hỏi về tên tuổi, gia thế:

Nữ:

Gặp đây tính mới hỏi tình
Hỏi chàng quê quán, quý danh là gì?
Xuân xanh bao tuổi đương thì?

Nam:

Quê anh xóm Nội gần thôi
Thường thường anh vẫn sang chơi chốn này...
...Tên anh là Vũ là Chương
Tuổi vừa hai bốn chưa đường gia thất
Mong sao sum họp một nhà
Để thầy mẹ biết để ta yên lòng...

Sau phần hát chào hỏi là phần tỏ tình: Cuộc hát đối đáp, trao tình giao duyên kéo dài cho đến khi tàn; nhiều khi bên nam thua cuộc, quay thuyền về làng với lời hát chào chua ngoa của các cô gái làng Bảo Đà:

Chàng về bên ấy xuân tình
Ngày mai em gửi tiểu sành về cho

Trong ngày tiệc, ngoài Hát Xoan còn có đấu vật. Phường vật thường được làng mời từ Sơn Tây lên.

(Nguồn: www.dulichphutho.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *