Lễ hội

Lễ hội đền Kỳ Sầm

Hàng năm, ngay sau Tết cổ truyền, các lễ hội mùa xuân nối tiếp nhau diễn ra từ mùng 6 đến 15 tháng Giêng âm lịch ở hầu hết các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng . Nổi bật có Hội đền Kỳ Sầm - lễ hội cúng thần, cúng Phật, cầu phúc, cầu may, tưởng nhớ thánh nhân Nùng Trí Cao - người đã có công đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước và nhân dân trong vùng.

Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao ở xã Tượng Cần, huyện Thạch Lâm nay là Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 5km. Đền được xây dựng để thờ danh nhân lịch sử Nùng Trí Cao, người Dân tộc Tày, một nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp mở nước ở thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI). Ông là con của thủ lĩnh Nùng Tôn Phúc và bà A Nùng. Vốn thông minh, lại được về kinh đô Thăng Long theo học, Nùng Trí Cao trở thành người có tài thao lược. Chính vì vậy, vua Lý đã nhiều lần cử người lên thuyết phục Nùng Trí Cao không theo nhà Tống. Sau này ông còn đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được vua phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên và được nhân dân kính trọng. Sau khi ông mất vua lại phong cho là Khâu Sầm Đại Vương. Câu chuyện về Nùng Trí Cao đã trở thành huyền thoại. Công lao của ông đã được người đời sau tưởng nhớ và lập đền thờ. Liên quan đến nhân vật Nùng Trí Cao hiện nay ở Cao Bằng vẫn còn nhiều di tích như: Thành Nà Lữ nơi ông đóng quân, đền Sóc Giang, đền Quảng Uyên, Hội pháo hoa…

Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng giêng Âm lịch, đây là một lễ hội lớn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến trẩy hội, vui xuân, với nhiều trò chơi như: Tung còn, đá bóng, múa lân,... lLễ hội cũng là dịp để mọi người đi vãn cảnh và hái lộc đầu xuân. Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nhân dân cũng lập đền thờ ông.

Nhiều năm qua, công tác quản lý lễ hội được tăng cường, tập trung và diễn ra an toàn, vui vẻ, tiết kiệm, lành mạnh, thông qua lễ hội là dịp tốt để giáo dục những truyền thống lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước, ghi nhớ công lao của các anh hùng trong quá khứ, để nhân dân hướng về cuội nguồn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn, kịp thời động viên nhân dân phấn khởi đón xuân, hăng hái sản xuất, tăng cường giao lưu văn hoá, coi trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá trong các lễ hội dân gian,  củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc ở tỉnh Cao Bằng.

Hàng năm, trước khi vào mùa lễ hội, Sở Văn hoá, thể thao và du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đồng thời có sự phối, kết hợp chặt chẽ cùng các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương để triển khai tổ chức lễ hội. Các hoạt động văn hoá - thể thao được tổ chức vào các lễ hội truyền thống và các ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc với nhiều nội dung phong phú đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, khách thập phương về  tham dự.

                                                                                      (Nguồn: khcncaobang.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *