Lễ hội

Lễ cầu ngư

Lễ cầu ngư và hội đua thuyền làng Nhượng Bạn: Tương truyền tên gọi này xuất hiện từ Thể kỷ XIII với sự tích bà Hoàng Càn được chọn về Thăng Long làm cung phi cho vua Trần Duệ Tông (1373-1377), xin cắt một rẻo đất mé biển cho dân chài lên ở. Người nhiều nơi trong đó có cả người Bồ Lô đã đến đây làm ăn, từ đó làng xóm trở nên đông đúc và có tên là làng Nhượng Bạn. Trước năm 1945, xã Nhượng Bạn thuộc Tổng Lạc Xuyên, huyện Cẩm Xuyên. Sau năm 1945, xã Nhượng Bạn thuộc huyện Cẩm Xuyên, năm 1954, lại đổi thành xã Cẩm Nhượng cho đến ngày nay.

Đây là một xã có bề dày lịch sử, từ thời Lý, Trần cho đến Lê, Nguyễn, nhiều vua chúa của Đại Việt và Chiêm Thành từng đến đây. Vua Trần Duệ Tông (1371-1377) khi đến đây đã chọn cô gái đẹp là Hoàng Càn về làm cung phi. Vua Lê Thánh Tông (1360-1397) khi tới đây đã làm bài thơ tuyệt cú về danh thắng này. Cẩm Nhượng còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị như: Chùa Yên Lạc di tích đã được xếp hạng Quốc gia và các đền thờ bà Hoàng Càn người lập làng; ông Đông Đạo tổ nghề đánh cá; ông Văn Hiền chết thay cho dân; đền thờ cá voi; đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu và Lê Khôi; tướng Nguyễn Thân. Các di tích cách mạng có: Nhà bà Lạch, nơi hội họp của UBKH Nam Hà (Nam Hà Tĩnh) chuẩn bị giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945. Sân Cồn Mom là nơi 3000 quần chúng biểu tình vào chiều ngày 17/8/1945, nghe đại diện Việt Minh tuyên bố thành lập UBCM lâm thời xã .v.v...Cuối năm 1999, xã Cẩm Nhượng được phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân. Năm 2000, trạm y tế xã được phong tặng là đơn vị AHLĐ.
Sinh hoạt văn hoá Cẩm Nhựợng có nhiều lễ hội nhưng nổi bật nhất, qui mô nhất vẫn là lễ hội đua thuyền và cầu ngư Nhượng Bạn. Lễ cầu ngư và hội đua thuyền thường được tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Đúng ngày hội, từ sáng sớm trống nổi lên, dân làng náo nức tập trung ra Đình làm lễ cáo rồi rước thuyền thờ ra rạp. Đó là chiếc thuyền rồng nhỏ trang hoàng đẹp đẽ do 4 người khiêng, tượng trưng cho uy linh của thần. Cờ quạt phấp phới trống chiêng vang trời, cuộc rước thuyền diễn ra trang nghiêm. Dân làng tập trung trên bờ, làng làm lễ tế Thành Hoàng rồi rước thuyền thần ra giữa sông để thuyền thần chứng giám cuộc đua thuyền.

Trống lệnh nổi lên, các thuyền đua xuất phát lướt trên mặt nước, trống thúc dồn hoà lẫn với tiếng reo hò ...cho đến trưa cuộc đua kết thúc, làng trao giải cho đội thắng, rước thuyền thần về Đình rồi làm lễ cáo tất. Sau cuộc đua, dân làng hồ hởi phấn khởi và tin rằng trong năm biển sẽ được mùa cá và dân làng sẽ có cuộc sống yên vui.

(Nguồn: saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *