Lễ hội

Hội Long Vân

Hội Long Vân hàm nghĩa rồng mây gặp hội, ý chỉ sự gặp gỡ may mắn, sự thỏa nguyện những ước vọng lớn lao.

"Thỏa duyên cá nước, gặp hội mây rồng".

"Bây giờ cha tuổi tác này. 

Mong con gặp hội rồng mây kịp người"

Cái tên Long Vân đầy ý nghĩa đã được chọn đặt cho hội làng Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà - quê hương của nhà bác học Lê Quí Đôn. Lịch sử hội Long Vân đã trải qua một thời gian dài hơn với nhiều sự kiện không chỉ đơn thuần là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống.

Lần tìm về thế kỷ 18, dân thôn Đồng Phú đã có lệ mở hội chùa từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 6 âm lịch hàng năm. Thuở ấy, ngày nào cũng vậy, ở làng tiếng chuông chùa vẫn ngân vang như lời nhắc nhở về giáo lý nhà Phật về sự từ bi bác ái với quảng đại chúng sinh. Truyền ngôn được biết, kể từ đó tới tận những năm đầu thế kỷ 20, làng mới có tục múa rồng, múa cờ, múa gậy, múa xênh tiền và tục rước nước.. trong hội.

Những thập niên đầu thế kỷ 20 dân tộc Việt Nam đang phải chịu ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược và tay sai. Trong thời điểm lịch sử và hoàn cảnh đất nước lúc này, ở Đồng Phú trên cơ sở dựa vào những hoạt động tín ngưỡng, một tổ chức xã hội được thành lập có tên là Ái Hữu nhằm tập hợp những người đồng cảnh ngộ, đoàn kết lại và giúp đỡ nhau trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Không bao lâu, hội lại đổi tên là hội Quản Trò cũng giữ tôn chỉ mục đích ban đầu, đồng thời đề ra vấn đề tự quản làng xóm cho các thành viên hoạt động. Những tên được đổi tiếp như Tam Khúc, Tiệp Trung để vận động người giàu giúp đỡ người nghèo, tập hợp những người đồng tâm, đồng nguyện vào hội là nội dung cơ bản trong thời gian này của hội. Năm 1930 trước sự kiện Đảng cộng sản ra đời, tạo bước chuyển vĩ đại cho cách mạng Việt Nam, với hàm ý thể hiện sự vui mừng về duyên kỳ ngộ của nhân dân ta khi có Đảng lãnh đạo, tổ chức hội quyết định đổi tên thành Long Vân và cái tên được giữ mãi cho đến ngày nay.

Trong muôn vàn khó khăn do chiến tranh với đời sống thực tại, người dân Đồng Phú vẫn lưu tâm tới vốn quí văn hóa cổ truyền của làng quê, vì vậy khoảng những năm 1960, nhiều hoạt động văn hóa trong đó có tục múa rồng dân gian được khôi phục. Hội làng lại được gọi đích tên: Long Vân. Từ đây con rồng - hình tượng của sự cao quí được sống lại ở Đồng Phú, ngạo nghễ và kiêu hãnh uốn lượn, biểu diễn những động tác mềm mại điêu luyện trong các lễ hội cách mạng, hội lễ cổ truyền tổ chức ở làng, ở vùng hay ở các trung tâm văn hóa công cộng của tỉnh, cả trong hội chợ triển lãm toàn quốc, tiếng ngày một lan xa, vang xa.

Không chỉ lấy tên Hội Long Vân đặt tên cho hội làng, người Đồng Phú dường như còn muốn thể hiện ý tưởng thầm kín của mình trong việc chuyển dịch thời gian lễ hội từ tháng 6 về tháng 4 âm lịch - đúng dịp giỗ bảng nhãn Lê Quí Đôn - con người mà tên tuổi và sự nghiệp làm rạng rỡ quê hương.

(Nguồn: Queluathaibinh.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *