Lễ hội

Hội lồng tồng Xứ Lạng

Lễ hội lồng tồng là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là dịp để bà con các dân tộc nơi đây cùng nhau vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... thể hiện tính đoàn kết cộng đồng.

Họ cùng nhau tham dự lễ hội cầu cho một năm cũ qua đi mang theo những rủi ro, bất trắc và mở ra một năm mới no ấm, sung túc hơn. Nơi tổ chức tại những ruộng tốt nhất, to nhất. Thời gian tổ chức tùy theo từng nơi, ấn định cho phù hợp với địa hình. Các địa phương gần nhau thì có thể thỏa thuận chọn ngày khác nhau để có điều kiện giao lưu, trao đổi.

Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm làng sạch sẽ, chuẩn bị đồ ăn thức uống để đón khách. Vào ngày hội xuống đồng, ngoài đồng của bản, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng.... còn thể hiện ý nghĩa ẩm thực phong phú, độc đáo và mang nhiều giá trị tinh thần truyền thống của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được thực hiện do các thầy tào tiến hành. Mở đầu là không khí trang nghiêm khi người chủ lễ đọc bài khấn cám ơn Thần nông phù hộ bản làng làm ăn no đủ, cầu cho vụ tới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu hơn nữa. Thế nên hội lồng tồng còn có tên gọi khác là hội cầu mưa, hội cầu mùa. Lễ vật không thể thiếu gà trống thiến luộc, thịt lợn quay, xôi, bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng và những quả trứng vịt luộc chấm đủ màu sắc... Tiếp đến là phần hội, vui nhộn, náo nức, tiếng hát then, sli quyện với tiếng đàn tính.

Các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc được tổ chức: múa võ, múa sư tử, tung còn, kéo co, đi cà kheo... Đặc sắc có lẽ chính là trò chơi ném còn. Ném còn tưởng dễ mà không dễ, cả ngày hội cũng chỉ vài người ném được quả còn qua vòng tròn trên đỉnh cây tre. Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn được chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai hoặc tre cao từ 20-30m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 - 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ nhật- nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời hoặc dán một vòng tròn đồng tâm bằng giấy mầu khác để làm tâm điểm. Tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo. Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau. Đi cà kheo tưởng khó mà không khó, các chàng trai của bản vượt suối, trèo dốc băng băng trên những đôi cà kheo ngất nghểu. Ai từng dự hội Lồng Tồng sẽ không thể quên không khí say lòng người, khi dân bản già trẻ lớn bé trong những bộ quần áo đẹp nhất cùng tụ tập, cùng vui chơi, nổi bật vẫn là các thiếu nữ gò má ửng hồng, cặp mắt lúng liếng...

Đến với Lạng Sơn xuân này, du khách sẽ tham gia những lễ hội đặc sắc và cùng hoà mình vào cảnh sắc tuyệt đẹp, núi non điệp trùng, làng bản phủ mờ trong sương sớm, nơi bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Hoa… cùng chung sống, cùng bảo lưu những nét đẹp truyền thống từ bao đời. Đặc biệt cùng nâng chén rượu nồng chúc xuân và tận hưởng mùa lễ hội với bao giá trị tinh thần đã, đang và sẽ được gìn giữ, vun đắp để tâm hồn mỗi người thêm đẹp, thêm yêu cuộc sống hơn mỗi độ xuân về, mở đầu cho một năm an khang, thịnh vượng.

(Nguồn: langson.gov.vn)


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *