Lễ hội

Hội đua voi ở Buôn Đôn

Hội đua voi thường được tổ chức hàng năm vào tháng 3 tại Buôn Đôn. Bãi đua có chiều dài khoảng 400 – 500m, chiều ngang rộng chừng 30 con voi xếp hàng.

Trước khi vào cuộc đua, một hồi tù và vút kên, theo lệnh điều khiển của nài voi, lần lượt các chú voi nối đuôi nhau rồi xếp thành hàng phía trước Ban giám khảo, các chú voi từ từ quỳ phục làm động tác chào Ban giám khảo và khán giả. Sau đó, từng tốp voi vào vị trí xuất phát.

Sau khi có hiệu lệnh, các chú voi bật lên như lò xo, phóng về phía trước trong tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo cổ vũ của khán giả ầm vang núi rừng. Cuộc đua phải qua nhiều vòng, đến khi chọn được một chú voi chiến thắng về đích trước. Voi thắng cuộc được đeo một vòng nguyệt quế, nó giơ cao chiếc vòi chào khán giả, đôi tai phe phẩy, mắt kim dim đón nhận những khúc mía, những trái chuối của những người dự hội.

Sau cuộc đua trên cạn là cuộc thi voi bơi qua sông Sêrêpôk, voi kéo co, voi ném xa, voi đá bóng…

Đến với lễ hội đua voi, du khách sẽ bị cuốn hút trong không khí tưng bừng của ngày hội, với âm vang cồng chiêng và tận mắt chứng kiến những màn trình diễn ngoạn mục bởi các chú voi của núi rừng Buôn Đôn. Hội đua voi là sự kiện văn hóa lớn ở Tây Nguyên, tôn vinh tinh thần thượng võ của người M’Nông, những người dũng cảm, có truyền thống trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Lễ Lớn Khôn (lễ Mpú)

Lễ Lớn Khôn của dân tộc Ê Đê, thường kéo dài hai ngày đêm để xác nhận chàng trai Ê Đê đã đến tuổi trưởng thành. Lễ tổ chức ở các suối nước, trên đường và tại nhà của chàng trai. Nhiều nghi lễ truyền thống được tiến hành cùng với sinh hoạt văn hóa, kể chuyện dân gian.
Hội Xuân

Kéo dài chừng 2 đến 3 tháng, từ ngay đưa lúa vào kho đến ngày sấm ran đầu mùa. Đó là thời gian tạm dừng việc sản xuất để tham gia hội hè, thăm bạn bè… Buôn làng được sửa sang khang trang. Buôn, sóc nọ tiếp buôn sóc kia mở hội đâm trâu. Đâm trâu cúng thần làng, đâm trâu xin thần phù hộ cho từng sóc, đâm trâu nhân lễ bỏ mả để hồn trâu theo người đã khuất về thế giới bên kia.
Du khách có dịp hòa mình với không khí của hội lễ, với những trò vui diễn lại tích xưa từ thời Đông Sơn; được tham dự những điệu múa, lời ca quyện với tiếng cồng, chiêng hào hùng, của những cư dân nơi xứ núi.
Người dân Tây Nguyên rất hiếu khách, đón tiếp ân cần nồng hậu, đầy tình thân ái.
Hội kéo dài từ tháng 10, 11 đến tháng giêng, tháng hai âm lịch.

                                                                           (Nguồn: www.tuoitredaklak.com)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *