Lễ hội

Hội đá cầu Lương Phong

Thắng - Gió là hai tên Nôm nhưng lại được gọi chung làm một để chỉ một vùng đất của huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Thắng có Đức Thắng, Danh Thắng, Thường Thắng. Còn Gió chính là chỉ vùng đất Lương Phong.

Lương Phong là tên chữ có nghĩa là gió lành. Còn Gió là tên nôm, cái tên của người Việt cổ đặt cho một vùng đất hội đủ các yếu tố cần thiết cho cư dân nông nghiệp: mưa - gió - sấm - chớp.
Ngày trước Lương Phong là một xã của tổng Đông Lỗ, huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà. Xã Lương Phong cũ nhỏ gồm các thôn xóm: xóm Chấp, xóm Cấm, xóm Giữa, xóm Chùa, xóm Đông, xóm Diệc, xóm Thuốc, xóm Khánh ( xóm Chấp cũng gọi là xóm Chớp, xóm Đông còn gọi là Gió Đông ). Nơi đây có chợ nên cũng gọi là chợ Gió. Trong xã có đình gọi là đình Câu, có chùa gọi là chùa Khánh, có lăng gọi là lăng đá họ Trần, có giếng gọi là giếng điếm Thuỷ Thần và có các ghè gọi là ghè các xóm.

Lương Phong là làng cổ, cư dân làm nghề ruộng trồng lúa nước là chính. Cùng với nghề làm ruộng họ còn có nghề phụ đan lát các đồ mây tre gia dụng. Họ ở bên nhau đã nhiều đời với các dòng họ: Trần, Nguyễn, Đặng….

Sau một năm làm ăn vất vả, sau những ngày bận rộn vui Tết đón xuân, người dân Lương Phong lại tổ chức hội lệ vào ngày mồng chín tháng Giêng âm lịch. Hội Lương Phong tổ chức rất to ở đình Câu, chùa Khánh, các nghè, lăng họ Trần và đền Giếng Thuỷ Thần. Đó là một không gian hội khá rộng, trải khắp địa bàn xã Lương Phong cũ.

Trong không gian lễ hội đó, các công trình kiến trúc tín ngưỡng là trung tâm lễ hội của từng khu vực, nhưng khu vực chính vẫn là đình Câu.

Đình Câu là ngôi đình có quy mô lớn, nằm ở trên đỉnh đồi Đình, giữa làng Chớp. Ngôi đình này được xây dựng lớn vào thời Lê Trung Hưng ( thế kỷ XIII ) do sự hưng công của gia đình viên quan thời Lê, tước quận công Trần Đình Ngọc cùng với sự công đức của bà con làng xã. Đình Câu làm xong có tiếng là ngôi đình to đẹp. Trước đình có bia đá, voi đá xếp hàng, uy nghi hùng dũng.

Đình Câu làm trên đỉnh đồi nên có địa thế rất rộng, phía trước đình là một khu đất phẳng, thoáng, xuôi ra đến tận cánh đồng phía Nam của làng. Bởi thế mỗi khi có sự lệ tổ chức ở đình, nơi ấy cũng là bãi hội.

Đình làng là nơi thờ 5 vị thành hoàng, đó là:

- Đức vương Linh Cao Sơn đại vương.
- Đức vương Quế Minh đại vương.
- Đức vương Diên Bình công chúa.
- Đức vương Khổng Đại tướng quân.
- Đức vương trợ linh Quốc Thần đại vương.

Các vị thượng hoàng này trong thời phong kiến đã được phong tặng 18 đạo sắc. Để việc phụng thờ và tổ chức các tiết lệ cho tốt, trong đình lại có sổ sự lệ, tế văn…để thực hành các nghi lễ.
Chuẩn bị vào hội , dân xã cho người của hai giáp Đông - Đoài dọn dẹp bãi hội, định chỗ đả cầu, bốc cầu, làm sới vật, cắm cờ dựng phướn….Cai đám và các vị Câu đương được bầu ra lo việc cho dân. Các vị này trong ngày mồng 6 tháng Giêng phải đem lễ vật xôi, gà ra đình tế lễ rồi rước cầu lớn, cầu bé đặt thờ dưới nồi hương ở đình để chuẩn bị vào hội.

Hội đình Câu được mọi nơi biết đến bởi trong ngày hội có tổ chức rước sách và bốc cầu, đả cầu, cũng vì thế mà người ta gọi hội này là hội đả cầu.

Vào ngày mồng tám tháng giêng, dân cho đóng kiệu ở đình rồi tổ chức các tổ vào hội.
Sáng ngày mồng chín, dân làng tổ chức rước sắc từ nghè lên đình. ở Lương Phong xưa có lệ: Mỗi năm giáo sắc cho từng thôn, từng xóm lưu giữ ở nghè thôn, mỗi thôn giữ một năm: khi thôn đương cai tổ chức rước sắc lên đình thì các thôn khác đều tham gia. Sau đó dân làng lại về nhà thờ họ Trần ở thôn Chấp rước nồi hương thờ Trần quận công lên đình thờ. lễ rước này cũng có kiệu và đồ nghi trượng long trọng như rước sắc. nồi hương này đặt ở bên phải đình, sau đó dân thôn tổ chức tế lễ, chèo hát nghiêm trang, vui vẻ. Trong ngày này họ Trần cũng cử người đại diện lên đình cùng với cụ từ và ban tổ chức trông nom việc đèn hương tế lễ. Những thành viên khác trong gia tộc cũng tham gia như những người trong làng xã. Sáng hôm sau, mồng 10 tháng giêng dân làng tổ chức bốc cầu.

Cầu bốc là loại cầu nhỏ, bằng gỗ, có đường kính khoảng 40 cm khi chơi cầu chia làm hai phe: Phe bên Đông và phe bên Đoài. Cai đám bưng cầu ra giữa sân để gieo cầu, trước khi gieo cầu ông nói vài câu mong mùa màng tươi tốt. Quả cầu gieo xuống khỏi tay cai đám thì hai bên xông vào tranh cầu đem cầu bỏ vào lỗ cầu bên kia, nếu bỏ được thì thắng. Chơi bốc cầu chỉ dùng tay tranh cầu chứ không có dụng cụ.

Đả cầu cũng gọi là cầu phết, hay đánh phết. Cầu phết to hơn cầu bốc, cầu cũng đẽo bằng gỗ, tròn có đường kính khoảng 60 cm. khi ông đám gieo cầu, chia bên mỗi người có một cái phết bằng tre để đá cầu. Phết cầu là dùng chiếc cù nèo khèo cầu. Đầu cù nèo là đoạn củ tre cong để đẩy, khèo cầu về hết sân đối phương, nếu đẩy được là thắng.

Chỉ huy cuộc chơi, mỗi bên có ba người, một người cầm cờ sai là chỉ huy chính, một người cầm cồng và một người cầm lệnh; hai người cầm cồng, cầm lệnh đứng bên ngoài gõ động viên, thôi thúc cuộc chơi.

Sau cuộc đả cầu thì hội vật bắt đầu. Sới vật mở ra có giải, ai tham gia đều được cả. Luật chơi ở đây là qua vật lèo rồi sẽ vào vật giải. Đô nào “ túc ki địa” hoặc “ lấm lưng trắng bụng” là thua.
Xong hội vật lại tế lễ, rồi hạ lễ để kết thúc hội lệ. Bánh dày của 8 giáp được hạ xuống để thi, lấy giải. Cỗ nào nhất thì dân xã mang biếu nhà thờ họ Trần. Cụ nào cao tuổi nhất làng được biếu một miếng bánh dầy. Các cụ khác cùng tham gia thì ngả cỗ ra ăn và chia phần cho con cháu. Cỗ bánh dày to nhất đoạt giải nhất làng thưởng bằng trầu cau.

Cỗ dân mang về nhà thờ họ Trần thì họ chia cho con cháu trong gia tộc. Phần còn lại thì nhà ông trưởng họ được hưởng cả. Ngoài hội đầu xuân ở Lương Phong còn có sự lệ ngày 10 tháng 9 và ngày 2 tháng 10 âm lịch.

Hội lệ mồng 10 tháng 9 cũng tế lễ, rước sách, nhưng cuộc rước này đến đình tế xong lại tổ chức rước nghênh thần. Sau đó quan viên mới cúng tế. Các tên hiệu thánh của tám làng trong xã đều được đọc lên ở văn tế. Trong lễ rước nghênh thần có kéo ngựa, ( có hai con bằng gỗ, một con sơn đỏ, một con sơn trắng gọi là ngựa hồng, ngựa bạch ). Sau khi tế lễ có ca hát. Hôm sau rước về cũng rước sắc về thôn được giữ để thờ ở nghè thôn ấy. Nồi hương nhà thờ họ Trần cũng được rước về an vị.

Lệ ngày mồng 2 tháng 10 âm lịch có tổ chức rước sách long trọng từ miếu thần và từ nghè ( là nơi thờ vọng năm vị thành hoàng ) về điếm thổ thần cúng tế. Ngày nay, nồi hương nhà thờ họ Trần quận công cũng được rước ra đó thờ dưới ban thờ thánh. Sau khi tổ chức hát chèo, hết lệ thì dân thôn lại rước trả các thử về như cũ.

Xã Lương Phong ngày nay bao gồm ba xã cũ là xã Sơn Quả, Thiện Mĩ và Lương Phong. Tuy hợp ba xã cũ thành một xã mới nhưng các nơi cứ gọi chung cho cả ba xã là vùng Gió- Lương Phong. Đó cũng là vùng đất đẹp và có những phong tục đẹp

(Nguồn: www.bacgiang.gov.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *