Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng nghề đan bàng Phú Mỹ Làng nghề đan bàng Phú Mỹ

Đồng cỏ bàng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng. Sống giữa một vùng đất phèn mặn, đồng bào Khmer nơi đây đã kiên nhẫn biến cỏ bàng thành hàng hóa với các sản phẩm sinh hoạt và mỹ nghệ mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên trước đây nghề đan đệm bàng chỉ tồn tại như một thứ công việc làm thêm của người phụ nữ Khmer tại địa phương vào thời điểm nông nhàn. Hàng làm ra bán giá rẻ, khó tiêu thụ do không có điều kiện mở rộng thị trường.

Năm 2004, Dự án bảo tồn, khai thác bền vững đồng cỏ bàng Phú Mỹ rộng 2.800 ha được khởi động. Người khởi xướng là tiến sĩ Trần Triết, vốn là thành viên Hội Sếu Quốc tế công tác tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), dự án được Hội Sếu Quốc tế và một tập đoàn tài chính quốc tế tài trợ 212.000 USD. Tỉnh Kiên Giang hỗ trợ 300 triệu đồng để thực hiện các mô hình chuyển đổi sản xuất…

Dự án đã và đang hoạt động dưới hình thức hợp tác xã làng nghề để quản lý, khai thác và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cỏ bàng. Người dân tham gia trong các dự án được tập huấn kỹ năng quản lý đồng cỏ, phương pháp canh tác, thu hoạch, đan lát, tiếp thị và kinh doanh sản phẩm.

Công việc đan lát các sản phẩm từ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, rất thích hợp cho cả phụ nữ và trẻ em tham gia. Họ làm ra các sản phẩm rất đa dạng như: đệm, túi xách, đồ gia dụng… Những sản phẩm làm ra hoa văn rất tinh xảo mà vẫn mang “cái hồn” của đồng quê chân chất. Người đan bàng không những thích làm hàng theo mẫu mã sẵn có mà còn tự mày mò nghiên cứu, cải tiến và thiết kế cho ra các sản phẩm với mẫu mã mới lạ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ai có dịp đi qua vùng biên giới Tây Nam sẽ tận mắt chứng kiến khung cảnh làm nghề nhộn nhịp của làng nghề đan bàng Phú Mỹ – Vĩnh Điều huyện Kiên Lương. Giữa buổi trưa oi bức, các cô thôn nữ vẫn cặm cụi đan các sản phẩm từ cỏ bàng. Những đường nét hoa văn cứ lần lượt hiện dần lên dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Mồ hôi của họ đã lặn vào từng sản phẩm để chúng trở nên đẹp hơn và tinh xảo lạ lùng. Dọc hai bên đường vào phum sóc phơi đầy cỏ bàng xanh. Trên đồng cỏ mênh mông, thanh bình, nhấp nhô nón trắng của những người đi nhổ cỏ và từng đàn sếu đầu đỏ (loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ thế giới) đang ung dung kiếm mồi.

Nghề đan bàng đang mở ra nhiều triển vọng vì thị trường xuất khẩu đang mở rộng trong lúc địa phương dư thừa khá nhiều lao động trẻ. Hiện nay đời sống của nhân dân vùng đồng cỏ bàng ngày càng được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn đang từng ngày khởi sắc.

(Nguồn: website Kiên Giang)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *