Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng dệt chiếu ở Vĩnh Châu

Sự khéo léo của đôi tay người phụ nữ Khmer vốn nổi tiếng từ xưa, và chị Trà Suôl chỉ là một trong số những người phụ nữ Khmer cuối cùng còn say mê với nghề dệt chiếu tại ấp Trà Ông (xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Chị Suôl bộc bạch: ''Chiếu của người Khmer dệt mất công lắm. Đâu có đơn giản như chiếu bán ngoài chợ. Người Khmer vốn thật thà, nên cái chiếu cũng thể hiện tính tình của người Khmer nữa''. 
    Để một chiếc chiếu thành phẩm ra đời, những người như chị Suôl phải bắt đầu chuẩn bị từ những ngày cuối tháng 9, khi vụ thu hoạch vừa xong.Họ phải chống xuồng đi tận mạn Vĩnh Châu tìm mua cây lác đang trồng trên ruộng ngập mặn. Mà lác khi thu hoạch phải nhổ bằng tay, không thì lác sẽ không còn tươi, hoặc ngấm nước khi về đến nhà. Sợi lác vốn 3 cạnh sắc như dao, phải nhổ bằng tay, nên bàn tay của người làm chiếu cũng đầy chai sạn, và chi chít vết cắt của lác. Từ lác sống còn nguyên cả rễ, bùn lầy, thợ chiếu bắt đầu đem cắt gốc, bỏ ngọn, rồi ngồi cả ngày trời tỷ mỷ dùng dao lột từng sợi, bỏ ruột chỉ lấy phần vỏ ngoài. Công đoạn tiếp theo là đem sợi lác phơi nắng qua hàng chục ngày trời, đến khi sợi chuyển hết qua màu trắng đục, quắn lại thì coi như xong giai đoạn quan trọng nhất. Cả quá trình này, chỉ dính chút nước mưa, hoặc phơi không kỹ, thì coi như mọi công sức đều đổ xuống kinh, bởi sợi lác khô sẽ cho màu xanh thâm thâm, không thể nhuộm màu, hoặc sẽ mốc meo, không bền được. 
       Ngoài lác, thợ dệt còn phải tự làm lấy sợi bố (đay) để dùng dệt xương chiếu. Cây bố mọc tràn ngoài bờ kinh nhổ đem về ngồi cạo sạch vỏ, đem phơi nắng cho khô, rồi xé sợi thành mảnh như tơ, rồi lại kỳ công nối lại từng mối nối sao cho kín nút, chắc dây. Phẩm nhuộm thì phải mua loại chất lượng cao, đem về nấu nước thật sôi, cho phẩm vào luộc cùng với sợi lác mới giữ màu chiếu bền đẹp sau 7-10 năm sử dụng.

Chiếu làm ra có hai loại: chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu hoa kỳ công hơn, người thợ đứng ''nhấn'' sợi lác tạo ra hoa văn trên chiếu trong quá trình dệt phải là thợ lành nghề, thời gian dệt có thể mất tới 3 ngày. Vì vậy mà giá cũng đắt hơn chiếu chiếu trơn chừng 20 nghìn đồng. Chị Trà Suôl giới thiệu với tôi chừng 10 chiếu chiếu với gần chục loại hoa văn khác nhau: komppop, komchocut, telping, telxacaling.... Mỗi loại hoa văn tuy khá đơn giản nhưng đều gắn với quan niệm tín ngưỡng, hoặc nghệ thuật truyền thống của người Khmer, nhưloại hoa văn telxacaling dệt cuốn vòng quanh chiếu, tượng trưng hình tượng con rắn đã cuộn mình che mưa cho Đức Phật khi ngài nhập đạo.

(Nguồn: soctrangtourism.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *