Điểm Du lịch

Di tích Khảo cổ học Bến Mậu A

Di tích Khảo cổ học Bến Mậu A thuộc địa bàn thôn Hồng Phong, TT.Mậu A, huyện Văn Yên, Yên Bái, có Toạ độ: 21°52’50” vĩ độ Bắc - 104°41’ kinh độ Đông. Di tích cách thành phố Yên Bái 35km về phía Bắc (dọc theo sông Hồng, cách ga Mậu A 1,5km về phía Tây.

Đường ô tô từ thành phố Yên Bái theo đường liên huyện dọc bờ trái sông Hồng, qua Cổ Phúc, Đào Thịnh, Yên Hưng rồi đến Mậu A (35km). Đường xe lửa Yên Bái – Mậu A (31km), rồi từ ga ra di tích  bằng đường ô tô (1,5km).

Theo phân loại chung: Di tích Khảo cổ học Bến Mậu A là di tích lịch sử. Theo phân loại chức năng là Di chỉ Khảo cổ học.

Tháng 5/1998, ông Nguyễn Văn Quang (Bảo tàng tỉnh Yên Bái) trong một chuyến công tác đã quan sát thấy khu vực mép nước sông Hồng thuộc bến phà Mậu A có rất nhiều công cụ và phế vật đá cuội, đã tập trung khảo sát ngay tại bãi soi mép nước thấy ở đây có hàng vạn công cụ đủ các loại hình mang đặc trưng của Văn hóa Sơn Vi. Hơn thế nữa còn có rất nhiều di vật mang đặc trưng của Văn hóa Hòa Bình. Nhận thấy đây là 1 di tích hết sức quan trọng, ông tiếp tục mở rộng khảo sát tới vùng đỉnh đồi và nhận thấy giống như vùng giáp mép nước ở mặt đồi cũng phân bố rất nhiều di vật cùng loại. Khảo sát đoạn taluy giáp bờ sông thấy xuất hiện một tầng văn hóa có công cụ cuội dài tới 30m ở độ sâu từ 80cm trở xuống. Ở độ sâu 65cm có một vài điểm có gốm thô giai đoạn tiền Đông Sơn. Trên bề mặt còn có cả gốm Hán, một số gốm thời Lê; cũng có cả rìu bôn đá có vai (thuộc hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí). Đây là 1 di chỉ cư trú của con người qua nhiều thời kỳ, song đậm đặc nhất là dấu vết của người thời đại đá cũ.

Nhận thấy tầm quan trọng của di tích, Bảo tàng Tỉnh đã thu thập một số di vật về phân loại và đánh giá. Kết luận bước đầu cho biết đây là di chỉ của cư dân Sơn Vi với nhiều loại hình rất phong phú, trong đó có cả những công cụ rất điển hình của cư dân thuộc Văn hóa Hòa Bình.

Để làm rõ diện mạo, đặc trưng, loại hình di tích, tháng 9/2000, Bảo tàng Tỉnh do ông Nguyễn Văn Quang chủ trì đã đào thám sát 3 hố (1 hố trên đỉnh đồi, 2 hố ở sườn phía bắc đồi), hố trên đỉnh đồi rộng 2m2 (H3) và hố giáp hồi nhà ông Vận rộng 2m2 (H1) chỉ thu được 47 di vật. Riêng hố giáp sườn bắc đồi (H2) rộng 2,5m2 có mật độ di vật dày đặc và hình thành nên 1 lớp văn hóa dày tới 1,3m (từ 0,4cm đến 1,7m). Nhận thấy tầm quan trọng của di tích, Bảo tàng tỉnh Yên Bái tạm dừng thám sát và mời Viện Khảo cổ học phối hợp nghiên cứu. Đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ học gồm TS. Nguyễn Gia Đối và Ông Đoàn Đức Thành đã tham gia phối hợp với Bảo tàng Yên Bái, căn cứ tình hình, đoàn thám sát quyết định mở thêm hố thứ tư (H4) liền kề và vuông góc với hố thứ hai (H2)  với diện tích 2,5m2 kết quả, cả 4 hố đã thu được 6.319 di vật, trong đó có 1.034 công cụ. Trong đó trọng tâm là 2 hố H2 và H4. Hố đào được phân thành 7 lớp (mỗi lớp 0,25 – 0,30cm).

Cấu tạo tầng văn hóa của H2 và H4 gồm 3 lớp chính. Lớp trên cùng dày 0,5m, là lớp phù sa hiện đại lẫn mùn rác, đất pha cát tơi bở, màu bạc trắng, có gốm sứ phong kiến, từ độ sâu 0,4m lác đác có công cụ. Lớp 2 từ 0,5 đến 0,7m là đất phù sa xẫm nâu, đôi chỗ xám đen, độ kết dính cao hơn, công cụ tăng lên, có một số mảnh gốm muộn lọt xuống. Lớp 3 từ 0,7m tới 1,8m là lớp tập trung nhiều  công cụ nhất, trong đó dày đặc từ 0,8 – 1,7m, từ 1,7 – 1,85m công cụ thưa thớt và hết ở độ sâu 1,8m. Tầng này có kết cấu đất có độ kết dính cao, có vết đất cháy đỏ, khả năng cuả dấu vết hết (Nguyễn Văn Quang, 2001), (Đoàn Đức Thành, Nguyễn Gia Đối, 2001).

Qua đợt đào thám sát và thu thập trên bề mặt của di tích cho biết đây là di chỉ thuộc phạm trù Văn hóa Sơn Vi sang Hòa Bình .

Là di tích khảo cổ học thuộc thời đại hậu kỳ đá cũ, nên hầu hết di vật nằm dưới lòng đất. Song do việc san gạt đồi làm đường xuống sông, do việc đào bới để trồng trọt, làm móng nhà, chuồng lợn, đào giếng nên rất nhiều di vật đã được moi lên. Một phần di tích coi như đã bị huỷ hoại. Tuy nhiên còn 1 phần vẫn giữ được nguyên trạng, có thể  tiếp tục khai quật nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan giá trị di tích này.

Di tích khảo cổ học Bến Mậu A là một di tích rất quan trọng trong hệ thống di tích thời đại đá cũ hậu kỳ ở Yên Bái nói riêng và vùng sông Hồng nói chung. Đây là di chỉ hiếm hoi có tầng văn hoá trong hệ thống Văn hoá Sơn Vi. Đây cũng là di chỉ có khối lượng di vật rất lớn, loại hình rất đa dạng, cho phép chúng ta hiểu được rõ hơn diện mạo của Văn hóa Sơn Vi ở Việt Nam. Đây lại là một điểm thuộc Văn hoá Hoà Bình ngoài trời đầu tiên biết đến ở vùng dọc sông Hồng, cho phép tiếp tục giải quyết vấn đề môi trường và cơ dân Văn hoá Hoà Bình.

Di tích chứa cả 2 giai đoạn (hay 2 dạng hình văn hoá): Văn hóa Sơn Vi – Văn hóa Hòa Bình . Khẳng định chắc chắn cội nguồn của Văn hóa Hòa Bình là Văn hóa Sơn Vi và sau Văn hóa Sơn Vi là Văn hóa Hòa Bình – chí ít là ở Yên Bái, mà từ xưa đến nay bằng chứng đó còn đang được thảo luận. Có thể qua di chỉ Bến Mậu A, nhiều vấn đề mới của mối quan hệ giữa Văn hóa Sơn Vi và Văn hoá Hòa Bình sẽ được đặt ra và nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự tiến lên của ngành Khảo cổ học Việt Nam.

Di tích  khảo cổ học bến Mậu A được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 275/ QĐ – CTUBND ngày 16/8/2005.

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *