Điểm Du lịch

Di tích Chùa Long Khánh

Chùa Long Khánh có tên khác là Cổ Am tự hay Chùa Giới Phiên. Di tích Chùa Long Khánh thuộc thôn Gò Chùa, xã Giới Phiên, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có Toạ độ: 104°45’ Kinh độ Đông, 21°45’ vĩ độ Bắc.

Di tích Chùa Long Khánh cách thị trấn Cổ Phúc 14 km, cách thành phố Yên Bái (Ga Yên Bái ) 4,7 km. Đi tới di tích có thể đi theo các tuyến Đường bộ: từ thành phố Yên Bái (Ga Yên Bái) ngược về phía Bắc theo đường Trần Hưng Đạo (1,3km) qua cầu Yên Bái (400m) rẽ trái theo Quốc Lộ 32c tới UBND xã Giới Phiên (3km) rẽ trái 300m là tới di tích.

Chùa toạ lạc trên một quả gò có hình bát úp (tục gọi là Gò Chùa), bốn phía xung quanh là những dãy đồi bao bọc như những bức tường thành. Phía Đông, là sông Hồng thả dòng, uốn lượn như những dải lụa đào ôm ấp lấy chùa.

Long Khánh Tự là một ngôi chùa lớn ở Yên Bái, thuộc thiền phái đại thừa. Trải qua những thăng trầm biến thiên của lịch sử. Hiện nay, ngôi chùa vẫn giữ nguyên nếp xưa cổ kính. Hiện nay chùa có diện tích 643,9m2, được phân chia thành hai khu vực rõ rệt là khu khuôn viên chùa và khu nội tự chùa.

Khuôn viên Long Khánh tự tương đối rộng. Trước cửa, là hai cây hoa Đại lớn, đường kính từ 35cm tới 40cm, tán cây toả bóng khắp sân chùa. Xung quanh chùa là những cây Sui cổ thụ, có đường kính 2m, tương truyền có vài trăm năm tuổi.

Khu nội tự chùa có diện tích 183,78 m2, gồm một toà nhà 5 gian, được kết cấu theo lối kiến trúc gỗ truyền thống, bên ngoài xây bao bằng tường gạch, kết cấu theo lối chữ Đinh, gồm 1 toà tiền đường và một toà hậu cung. Sân và nền được bát tràng (gạch mộc). Phía bên trái là đền Giới Phiên, kiến trúc chùa thấp nhỏ, nhưng rất chắc chắn.

Nhà tiền đường là một ngôi nhà ba gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp cọ. Diện tích xây dựng có kích thước: dài 8,3 m, rộng 6,3 m, với kiến trúc gỗ, gồm hai hàng cột cái và ba hàng cột con (các hàng cột của chùa đều là cột trơn), chia thành bốn hàng vì kèo. Các vì kèo được liên kết với nhau bằng một hệ thống các xà và quá giang, tạo lên một bộ khung khá vững chắc cho ngôi chùa.

Hậu Cung là một nếp nhà dọc gồm một gian, được nối với toà tiền đường (chuôi vồ). Phía trước hậu cung là bức cửa võng được gắn trên hai cột cái, cửa võng được trang trí trạm khắc tinh xảo. Kiến trúc hậu cung gồm hai bộ vì nóc, các vì nóc được liên kết với nhau bởi các thanh xà. Tường hồi được xây bít đốc, chiều cao từ nền tới thượng lương là 3,7 m; mái được lợp bằng lá cọ. Trên thượng lương của chùa có khắc chìm dòng chữ hán: Hoàng Duy Tân thất niên tứ nguyệt sơ tứ nhật, lương thời thụ trụ thượng lương đại cát.

Toàn bộ công trình kiến trúc Long Khánh tự mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc Đình, Đền, Chùa Việt Nam thế kỷ XVII, XIX và thế kỷ XX.

Nói tới nghệ thuật trang trí trạm khắc, của chùa phải kể tới đầu tiên là bộ Cửa Võng (Y Môn). Bức Cửa Võng được đặt ở gian chính giữa toà tiền đường, trước ban thờ phật. Đây có thể xem như là một tác phẩm nghệ thuật sống động, thể hiện bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Giới Phiên xưa. Với lối tả thực mang tính khái quát cao đã miêu tả chân thực thế giới phật giáo, được sắp xếp theo trật tự từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, gồm 4 lớp tượng sau:

            + Lớp 1: ở vị trí cao nhất thể hiện 3 pho Tam Thế

            + Lớp 2: gồm 6 pho tượng Đức thánh Hiền, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Di Lặc, Đức Chúa Ông

            +Lớp 3: gồm 5 pho Di Đà

            + Lớp 4: gồm 2 pho Hộ Thiện, Hộ ác

Đề tài hoa sen được thể hiện rất nhiều ở Long Khánh tự, đây là đề tài phổ biến trong hệ tư tưởng của Phật giáo. Đề tài hoa sen hầu như quán xuyến toàn bộ tư duy sáng tạo của Long Khánh tự, hoa sen ở bệ tượng phật, hoa sen ở Cửa Võng, đôi khi là chi tiết cánh sen cách điệu. Cánh sen của các bệ tượng phật bằng chất liệu đất nung thế kỷ XVII (ba pho tượng Tam Thế) có xu hướng mập hơn, thanh thoát hơn những cánh sen của những pho tượng có niên đại muộn hơn thế kỷ XIX.

Chùa Long Khánh ngoài thờ Phật, còn thấy xuất hiện thờ thánh (tam giáo đồng nguyên). Với triết lý vô thường, vạn vật luôn biến đổi, tượng Phật luôn được đặt tại một vị trí cao nhất, trang trọng nhất.

Chùa hiện tại có 18 pho tượng được tạc bằng hai loại chất liệu là đất nung và gỗ được sơn son thiếp vàng, tất cả các tượng đều là loại tượng tròn, với tỷ lệ bằng 1/2 người thật, đặt trên đài sen. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tương đối sống động, niên đại kéo dài từ thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX. Hệ thống tượng tại Chùa được bố trí thành nhiều lớp, theo trật tự từ trong ra ngoài, từ cao xuống thấp, cụ thể như sau:

* Toà Hậu Cung.

Lớp 1: đây là lớp chiếm vị trí cao nhất, gần với vách thượng điện, gồm 3 pho tượng Tam Thế bằng đất nung, ngồi ngang hàng nhau, tượng trưng cho chư phật ở ba thời kỳ; quá khứ, hiện tại và vị lai, tức chỉ chung cho cõi phật trong thời gian. Ba pho tượng này thể hiện khá giống nhau, tượng cao 80cm, cao thân 62cm, rộng thân 56cm, với tư thế ngồi thiền (ngồi phù già - ngồi xếp bằng trên đài sen) trên toà sen gồm 3 lớp cánh sen, đỉnh đầu có gờ thịt nổi cao như đang búi tóc, tóc xoắn bụt ốc, tai dài, ngực phình, vận áo Cà Sa, ngực có hình chữ Vạn

Lớp 2: là ba pho tượng: chính giữa là pho tượng phật A Di Đà, cao tượng 90cm, cao thân 67cm, rộng thân 46cm. Bên phải là tượng phật Thế Chí bồ tát, bên trái là tượng Quan Âm Bồ Tát.

Lớp 3: là pho đức phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, tượng cao 95cm, cao thân74cm, rộng thân 35cm. Tượng trong tư thế ngồi thiền, mặt trắng, hai tai dài, đầu đội mũ, hai tay bắt quyết, 10 tay khác vươn ra các hướng.

Lớp 4: là Toà Cửu Long với 3 lớp thể hiện 4 vị thiên vương ngồi ở 4 góc với tư thế kiết ẩn, tay niệm phật phù hộ cho phật Thích Ca Sơ Sinh (Phật Thích Ca Sơ Sinh là hình tượng của cậu bé bụ bẫm, tay phải giơ lên chỉ thiên, tay trái trỏ xuống chỉ địa, ngụ ý; Thiên thượng, địa hạ, duy ngã tôn - trên trời là dưới đất). Bao quanh là hình tượng chín con Rồng đang trong tư thế châu đầu vào phun nước thơm tắm cho đức phật .

Lớp 5: là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và tượng vua cha Ngọc Hoàng. Tượng Bắc Đẩu ngồi bên tay phải long ngai, mặc áo bào, đầu đội mũ bình thiên, hai tay để lên đầu gối, chân đi hia, tượng cao 91cm, rộng thân 28cm. Tượng Ngọc Hoàng cao thân 1,6 m; rộng 35cm. Mặc áo bào đỏ, đội mũ cánh chuồn, mặt trắng, tai to hai tay bắt quyết, chân đi hia. Tượng Nam Tào tương tự như tượng Bắc Đẩu, một tay cầm bút, một tay cầm sách.

* Tiền Đường:

Nhà tiền đường, gắn liền với ngôi tam bảo, gồm ba gian. Hai gian liền với đầu hồi được đặt hai tượng Hộ Pháp, một bên là pho tượng Hộ Thiện, một bên là tượng Hộ ác, với kích thước to bằng người thật. Tượng Hộ ác (qua Võ), cao 1,75m

Sát với góc tường phía bên trái ngay hướng đi vào thượng điện là ban thờ Quan Âm thị Kính (Quan Âm toạ sơn), đây là bức tượng mang đậm phong cách nghệ thuật trạm khắc Việt Nam thế kỷ XVII. Tượng được làm từ chất liệu đất nung, tượng cao 1,18m, rộng 70cm, thể hiện một người đàn bà đang toạ trên một quả núi, mặc áo trắng, đầu trùm khăn. Một bên tay (tay phải) thể hiện một đứa trẻ (con của Thị Mầu), đầu để chỏm, mặc áo đỏ, quần xanh. Tượng cao 40cm, rộng 10cm, phía sau là khung cảnh núi rừng, chim muông. Bên cạnh là hai tiểu đồng đứng hầu (tương truyền là Mẹ và Bố Quan Âm thị Kính). Tượng Bố Quan Âm Thị Kính, tượng cao 48cm, rộng 15cm, mặc áo the hai lớp, đầu để chỏm, hai tay chắp niệm phật. Tượng mẹ Quan Âm, cao 54cm, rộng 18cm, mặc áo tứ thân, chân đi hia, hai tay chắp niệm phật.

Sát với góc tường phía bên phải, là ban thờ Đức Ông. Tượng cao 1,1m; rộng thân 40cm, mặc áo Long Bào, đầu đội mũ Bình Thiên, chân đi hia. Lông mày sếch. Tượng có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Trong chùa có di vật Chuông đồng. Quả chuông chia làm bốn núm. Chuông cao 1m, rộng đế 44 cm,rộng thân 35 cm, nặng 80kg (chuông bị kẻ gian lấy cắp năm 1980, sau 18 năm, chuông được trả lại cho chùa. Theo lời kể lại của các nhân chứng, quả chuông này vốn là của bản chùa. Năm 1998 một người dân của xã Giới Phiên đã mua được chuông từ một người mua bán sắt vụn, sau khi đem về nhà, gia đình luôn gặp chuyện rủi ro. Do vậy, đã đem chuông trả lại chùa)..

Các lễ hội chùa Long Khánh vào Rằm tháng giêng, Hội Mẹ: 3/3, Vào Hè: Tháng 4, Ra Hè: Tháng 7, Rằm tháng 7, Hội Cha: 20/8  (Thánh Trần ), Tất Niên: Rằm tháng 12    

Chùa Long Khánh là di tích thời Lê Sơ còn tồn tại duy nhất ở Yên Bái, và được bảo tồn tương đối tốt.

Di tích đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh theo quyết định số 395/QĐ-UB Ngày 25/9/2006.

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *