Di tích lịch sử, văn hóa

Thanh Bình Từ Đường

Địa điểm: Khu vực 5, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thanh Bình Từ Đường là nhà thờ tổ ngành nghệ thuật hát Tuồng truyền thống còn lại ở cố đô Huế.

Thanh Bình Từ Ðường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825) làm nơi thờ cúng các thánh thần được suy tôn là Thánh Sư, Tiên Sư, Tổ Sư và những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu Tuồng Huế và khu vực miền Trung.

Thanh Bình Từ Ðường là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, tường xây bằng gạch, bộ mái bằng gỗ, lợp ngói liệt. Các kèo, xuyên, quyết trang trí đơn giản. Nhà hướng Ðông và đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1958, 1992 và năm 2000.

Từ ngoài vào là cổng, có chiều rộng 2,85m, cao 3,20m, hai trụ biểu hai bên cao 3,80m, trên đỉnh trụ biểu có gắn hình bầu rượu cao 0,45m, có la thành chạy dài bao quanh mặt tiền của nhà thờ. Sau cổng là sân rộng 660m2, trước đây là nơi dùng để biểu diễn nghệ thuật Tuống. Di vật còn lại là tấm bia đá khắc năm xây dựng Từ đường (1825) đặt nằm ở bên trái, phía bên phải là tấm bia bằng xi măng ghi những người có công trong việc trùng tu nhà thờ năm 1958. Trước cửa là bức hoành phi lớn sơn son thiếp vàng, khắc chữ “Thanh Bình Từ Đường” làm vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Ngoài ra, Từ đường hiện còn lưu một hiện vật quý giá là tờ mục bằng vải (Gia Phả Từ đường) và một số sắc phong của triều Minh Mạng ban tặng.

Di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 776QÐ/VH ngày 23-6-1992 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). 

(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *