Di tích lịch sử, văn hóa

Nhà thờ Phú Nhai

Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, cách thành phố Nam Định 35 km, được coi là nhà thờ lớn nhất Đông Dương.

Cuối thế kỷ XVIII, Phú Nhai bắt đầu có một họ đạo lẻ, các giáo sứ cho xây dựng một nhà nguyện nhỏ ở trại xóm Nam thuộc giáp Nam. Từ năm 1773-1785, nhà nguyện này đã bị triệt phá, các giáo sĩ và nhiều giáo dân bị bắt, bị kết tội, bị xử tự. Chính vì vậy, trước cửa nhà thờ Phú Nhai hiện nay có một khu mộ tập hợp hài cốt của 83 giáo sĩ và giáo dân chết trong thời kỳ này.

Năm 1862, nhà Nguyễn bỏ lệnh cấm đạo. Tại xã Phú Nhai, một ngôi nhà thờ mới được xây dựng lấy tên là Nhà thờ Dân kính Đức Bà khỏi tội. Đây là ngôi nhà thờ làm bằng gỗ lợp ngói quy mô tương đối nhỏ hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu hành lễ của giáo dân. Chính vì vậy, linh mục chính xứ cho nối dài khu nhà thờ ra thêm một số gian nữa.

Năm 1873, Phú Nhai trở thành một họ đạo độc lập, có linh mục về phụ trách. Vị linh mục mới đã cho khởi công xây dựng một ngôi thánh đường khác ngay năm 1873, gồm chín gian lợp ngói, cột xà bằng gỗ theo kiểu Phương Đông. Đây là ngôi thánh đường mà toàn bộ hệ thống vì, kèo, cột, cửa đều làm bằng gỗ lim. Ngôi nhà thờ được xây dựng theo một dãy dọc, cửa ra vào ở về hai bên theo chiều mái chảy, một đầu dốc là bàn thờ thánh, đầu kia là cửa ra vào chính. Việc xây dựng xoay dọc lại kiến trúc đã tạo nên độ sâu cho ngôi nhà thờ.

Năm 1916, để kỷ niệm 700 năm khánh hội dòng Đa Minh, ngôi nhà thờ xây dựng năm 1873 trên đất Phú Nhai được hạ giải để xây dựng một ngôi nhà thờ mới theo phong cách Châu Âu. Đến năm 1923, công trình hoàn thành nhưng chỉ sáu năm sau, năm 1929 bão lớn làm đổ hai tháp chuông đằng trước và vặn đổ toàn bộ khu nhà thờ.

Năm 1933, nhà thờ Phú Nhai được xây dựng lại trên một khu đất rộng sáu sào Bắc Bộ. Công trình dài 80m, rộng 35m, chiều cao tới nóc nhà thờ là 30m. Hai gác chuông đằng trước cao 44m.

Pho tượng Thánh đặt ở giữa sân trước nhà thờ, phía sau hàng đá. Tâm điểm là ngôi nhà thờ được xây cao nhất. Từ đó các dãy nhà ngang, nhà hội quán, nhà xứ và các công trình phụ khác được xây bám theo tâm điểm chính của công trình. Đằng trước nhà thờ trồng rất ít cây cối ruộng vườn của Nhà chung, cây lưu niên được trồng cả về phía cuối và phía sau nhà thờ.

Mặt chính diện ngôi nhà thờ được tạo thành ba tầng. Tầng trên cùng là hai tháp chuông ở về hai bên xây nhô cao và mỗi tháp chuông lại có nhiều cột trụ tạo thành những cây nến khổng lồ vươn lên trời xanh. Cả ba lớp cửa ở các tầng đều theo phong cách gôtích, cửa nhọn đầu đã tạo nên một cảm giác kiến trúc được đẩy mãi lên cao.

(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *