Di tích lịch sử, văn hóa

Hang Tám Cô

Hang Tám Cô thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách thành phố Đồng Hới 55km về hướng Tây Bắc, hang đá nhỏ bé này ghi dấu sự hy sinh to lớn của lực lượng TNXP trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia tại quyết định số 236/VH/QĐ/ ngày 12/12/1986.

Hang Tám Cô nằm trên cung đường 20 – một phần của đường Trường Sơn huyền thoại, nơi bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng là nơi lực lượng TNXP đổ máu để giữ cho tuyến đường thông suốt. Ngày 14/11/1972, trước cửa hang Tám Cô, tám anh chị TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom.

Lúc đó, bầu trời đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom. Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi, họ chỉ nghe văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội từ sau tảng đá.

Ba chiếc xe tăng được điều đến với hy vọng cứu thoát những người trong hang. Xe tăng đồng loạt rú ga, dây cáp căng lên, bánh xích cày vào đá tóe lửa nhưng tảng đá vẫn trơ trơ. Một phương án khác được đưa ra: nổ mìn phá đá. Sau một hồi cân nhắc, người chỉ huy cao nhất lúc ấy đã không đồng ý vì ức ép của lượng thuốc nổ đủ để phá tảng đá khổng lồ đó gần như chắc chắn sẽ giết chết ngay lập tức những người trong hang. Đó là chưa kể đến lượng đá văng ra mặt đường sẽ làm ách tắc tuyến đường huyết mạch vào miền Nam. Dọn dẹp số đá này trong thời gian ngắn dưới sự oanh tạc điên cuồng của máy bay Mỹ sẽ tổn hao thêm rất nhiều xương máu. Cái giá phải trả cho việc này quá đắt so với hy vọng sống mong manh của tám người trong hang sau khi nổ mìn.

Những ngày tiếp theo, đồng đội của 8 anh chị TNXP vẫn liên tục quanh quẩn ở cửa hang. Họ mò tìm những khe hở, đường nứt của khối đá để luồn ống bơm nước, bơm sữa, đổ cháo nhưng không thành công. Sau 8 ngày đêm, các TNXP trong hang hy sinh…

Không như mọi người vẫn lầm tưởng, tên gọi hang Tám Cô đã có từ trước khi xảy ra sự kiện đau lòng trên. Theo người dân địa phương kể lại, hồi ấy trên cung đường này thường xuyên có một tiểu đội nữ TNXP làm nhiệm vụ phá bom thông đường. Mỗi khi có bom, hoặc những lúc nghỉ ngơi, cả tiểu đội thường vào hang đá này. Không hẳn lúc nào cũng có 8 nữ TNXP, nhưng bà con địa phương vẫn quen gọi là hang Tám Cô. Không ngờ con số tám oan nghiệt ấy lại gắn liền với hang: tám TNXP hy sinh sau tám ngày bị giam cầm trong hang. Ngày 16/5/2009, trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, Chủ tịch nước ký quyết định công nhận Tập thể Anh hùng cho các TNXP hy sinh tại hang Tám Cô. Ngày hôm ấy, con số tám lại một lần nữa xuất hiện như một sự chứng giám linh thiêng, khi cây chuối trước cửa hang đột ngột nở ra đúng tám nải…

Những TNXP nằm xuống ngày ấy chắc chắn sẽ nở nụ cười khi biết hơn 30 năm sau, cách hang Tám Cô chỉ 20 km là bến thuyền vào động Phong Nha – di sản thiên nhiên thế giới với những đoàn khách du lịch tấp nập, là dòng sông Son với những làng quê yên bình hai bên bờ…

(Nguồn: phunuonline.com.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *