Di tích lịch sử, văn hóa

Đền quan lớn Trà Vong

Năm 1749 (Kỷ Tỵ), Triều Đình Huế cử ba anh em nhà họ Huỳnh: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, và Huỳnh Công Nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện việc di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương. Tưởng nhớ công ơn của 3 anh em nhà họ Huỳnh và các nghĩa binh, nhân dân địa phương lập đền, miếu để thờ ở nhiều nơi và được gọi chung là đền thờ Quan lớn Trà Vong.

Ngôi mộ ông Huỳnh Công Giản (tức Quan lớn Trà Vong) được nhân dân chôn cất tại ấp Trà Hiệp xã Trà Vong, Tân Biên. Đền thờ ông được nhân dân xây dựng ở nhiều nơi như: Tân Phong, Trà Vong (Tân Biên), Cầy Xiêng, Đồng Khởi (Châu Thành), Thái Vĩnh Đông, Phường I (Thị xã), Thạnh Tân (Hoà Thạnh).

Chùa Phước Lưu

Chùa Phước Lưu nằm cạnh quốc lộ 22A, tại trung tâm Thị trấn Trảng bàng, đối diện với bệnh viện và sân vận động Trảng Bàng.

Giữa thế kỷ thứ XIX, chùa Phước Lưu được xây dựng. Ban đầu chỉ là một cái am nhỏ gọi là Am Bà Đồng, sau này được xây dựng thành chùa nên có tên gọi là Chùa Bà Đồng. Năm 1900, Tổ trường Lục thuộc đời thứ 42 phái Liễu quán đã quyên góp tài chính của phật tử địa phương và cộng đồng người Hoa ở Trảng Bàng sửa chữa và mở rộng chùa và đặt tên là chùa Phước Lưu.

Từ lúc xây dựng đến nay đã qua 5 lần trùng tu sửa chữa vào các năm 1943, 1946, 1975 và 1990. Chùa Phước Lưu là nơi có nhiều tượng Phật cùng nhiều hiện vật cổ, có giá trị nghệ thuật cao như: 4 bàn tủ khảm trai, bộ tràng kỷ mặt đá. Đặc biệt có 2 đĩa lớn (đường kính 55cm) 2 choé lam lớn (đường kính 63cm, cao 53cm). Với những hoạ tiết, hoa văn đường phủ men lam là những hiện vật cổ có giá trị độc đáo. Với lối kiến trúc đẹp, hoà với tổng thể thiên nhiên. Ngôi chùa đã được giới thiệu trong quyển "Việt Nam danh lam cổ tự".

Ngoài ra, Tây Ninh còn có nhiều di tích văn hóa – lịch sử như: Hiệp Long Cổ Tự (thị xã Tây Ninh), Báo Quốc Từ (thị trấn Hòa Thành), Đền thờ đức Trần Hưng Đạo (thị xã Tây Ninh), Đình Long Giang (xã Long Giang, huyện Bến Cầu), Đình Phước Hội (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu), Chùa Khơme (xã Tân Thành, huyện Hòa Thành), Cẩm Phong Tự (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu), Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Chùa Bà, xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành), Cao Sơn Tự (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu), Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành), Phước Lâm Tự (Chùa Vĩnh Xuân, thị xã Tây Ninh), Miếu Quan Đế (thị xã Tây Ninh), Đình Thanh Phước (đình Gò Dầu, thị trấn Gò Dầu),…

(Nguồn:www.mpi.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *