Di tích lịch sử, văn hóa

Đền Bà Triệu

Bà Triệu (Triệu Nữ Vương) tọa lạc trên núi Bân (còn gọi Bân Sơn, núi Gai) thuộc thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, vĩ độ 19o54'00" đến 19o59'00", kinh độ 105o45'30" đến 105o52'30". Có diện tích 2068 ha. Khu rừng bảo vệ cảnh quan Đền Bà Triệu là một trong những khu rừng bảo vệ cảnh quan sinh thái du lịch của hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam. Khu rừng này được thành lập theo quyết định số 194/CT ngày 9/8/1986 của Thủ tướng Chính Phủ.

Đền Bà Triệu Cách Hà Nội 137 km về phía Nam, ngay sát quốc lộ 1A. Trên đường “Thiên Lý” ra Bắc vào Nam, khách bộ hành thường dừng chân, lên núi Gai, tưởng niệm vị nữ tướng anh hùng, viếng lăng và thưởng ngoạn cảnh đẹp. Đền gồm cổng tam quan dẫn tới một hồ sen nhỏ và sau đó tới khu chính của đền với kiến trúc “nội công ngoại quốc” bao gồm: Tiền đường gồm 5 gian với những cột đá mài vuông cạnh, sau nhà Tiền đường là sân Thiên Tỉnh, hai bên sân là hai dãy nhà Trung đường, Hậu cung gồm 3 gian ở phía sau cùng của sân Thiên Tỉnh và trên nền cao hơn dựa lưng vào núi. Đối diện với đền trên là núi Gai, ở phía bên kia quốc lộ 1A là núi Tùng - nơi có lăng Bà Triệu.

Bà Triệu ẩu huý là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2-10 năm bính Ngọ (226), tại huyện Quân Yên quận Cửu Chân (Yên Ðịnh ngày nay). 19 tuổi bà đã có câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta".

 

Bà đã chiêu mộ trai tráng đánh giặc và trở thành chủ soái năm 248. Ngày nay nhiều nơi có đền thờ bà Triệu; có nơi tôn vinh là "Bà Chúa Thượng Ngàn". Lễ hội được tổ chức từ ngày 19 đến hết ngày 24 tháng hai âm lịch, trong một không gian rộng từ Ðền đến Lăng về đình Làng. Lễ Mộc dục - Tắm tượng vào ngày 18 hoặc 19 - 2 (âm lịch). Tế Phụng Nghinh với nội dung mời Vua Bà và Lục bộ triều đình về trong ngày huý kỵ của Bà. Rước Bóng- Rước bát hương Vua Bà từ đền chính đến Lăng mộ rồi rước về đình làng. Ðặc biệt ở đình làng còn diễn trò "Ngô Triệu giao quân" rất sôi nổi. Sau lễ buổi trưa, cả làng ăn đồ nguội (vì đánh trận phải ăn lương khô). Buổi chiều nấu nướng cỗ bàn để khao quân. Trong dịp lễ hội, dân làng còn tổ chức thi đấu vật, leo dây, thổi cơm, thi đánh cờ tướng...; làm cho lễ hội càng thêm sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng.

(Nguồn: dulichthanhhoa.vn)


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *