Di tích lịch sử, văn hóa

Cù Lao Giêng

Thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, Cù Lao Giêng (hay Diên, Riêng, Den, Ven) mà người Khmer gọi “Koh-Teng” có một bề dày lịch sử rất tự hào. Nơi đây đã ghi lại dấu son lịch sử của phong trào cách mạng từ những năm 1930 với lá cờ đỏ búa liềm trên cột dây thép xã Long Điền A. Cù Lao Giêng có những công trình văn hoá và mỹ thuật tiêu biểu như Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), một di tích lịch sử cách mạng thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia. Hiện nay, bên trong còn thờ những bài vị của các anh hùng liệt sĩ cách mạng dưới hình thức tôn giáo để che mắt giặc trong thời chiến tranh. Đây còn là quê hương của người nữ anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng - một "Võ Thị Sáu" kiên cường của An Giang. Trên đất này còn có di tích nhà thờ Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) được xây cất từ năm 1877, lớn nhất ở Việt Nam và có trước nhà thờ Ðức Bà ở Sài Gòn chừng vài tháng.
Tương truyền nơi đây xưa kia là một trong những nơi đóng binh của nhà Nguyễn. Ðặc biệt trong khu này có danh lam Thành Hoa Tự, một ngôi chùa với lối kiến trúc sinh động, trên tường được chạm nổi những hoa văn mang nhiều hình ảnh đặc trưng mô phỏng cảnh yên bình thoát tục được khắc hoạ bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng Chợ Thủ. Thành Hoa Tự còn gọi là "chùa Ðạo Nằm", được xây dựng vào năm 1953 do sư tổ hoà thượng pháp danh Tịnh Nghiêm, quê ở làng Hoà An (Tx. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) về đây trụ trì. Ðến năm 1954 thì Ông viên tịch, hưởng thọ 51 tuổi. Hiện nay, trong Bảo Tháp cạnh chùa có đặt thi hài Ông. Là một tu sĩ phật giáo không sáng tác kinh kệ riêng, cũng không đưa ra một phương thức tu tập mới, nhưng hành trang và cuộc đời của ông hầu như đã gắn với nhiều huyền thoại khá ly kỳ từ cung cách sinh hoạt đến dáng đi, giọng nói đều biểu hiện một cốt cách phi phàm!. 

Cù Lao Giêng đã từng là cứ địa của Xứ Uỷ Nam Kỳ, nơi phát đi những tín hiệu và mệnh lệnh đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân ngay từ thời thuộc Pháp. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra không ít những người con anh hùng trung dũng của quê hương An Giang. Phải chăng từ những di tích và di sản truyền thống quí báu tự ngàn xưa còn để lại cùng những cảnh quan nên thơ hữu tình ấy đã vẫy gọi khách du lịch hành hương từ mọi miền đổ về đây tham quan, thưởng ngoạn.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *