Ẩm thực Việt Nam

Chả tôm – Xứ Thanh

Nếu ai có dịp về các vùng quê miền biển Thanh Hóa có lẽ không còn lạ lẫm với món chả tôm dân dã của người dân vùng này. Trong tiết trời se lạnh, được ngồi quây quần cùng bạn bè, người thân thưởng thức món chả nóng thì không còn gì thú bằng.

Làm chả tôm không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo, bởi nếu không cẩn thận, bạn có thể sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của món ăn.

Trước tiên, phải chuẩn bị loại tôm bột ngon còn tươi sống, bóc noãn, dùng tăm để làm sạch chỉ đen ở lưng tôm, sau đó rắc hạt tiêu đều, hành củ, tất cả băm nhỏ (không nên xay tôm nhuyễn hoàn toàn mà chỉ băm nhỏ để khi ăn sẽ cảm nhận được thịt tôm giòn giòn, rất thích thú). Sau khi băm nhỏ các loại với nhau thì bắc lên bếp, xào thơm.

Tiếp đó, chuẩn bị thịt ba chỉ, rồi thái theo kiểu hạt lựu, rán vàng, sau đó đem băm lẫn với bánh phở, hành khô, muối tiêu, hạt nêm vừa ăn, tất cả trộn lẫn đều, cho vào cối giã tay thật nhuyễn. Trong quá trình giã, có thể cho một ít mỡ nước để khi cuộn, chả sẽ đều và không bị dính. Như vậy là xong phần nhân chả.

Tiếp đến là chuẩn bị phần vỏ ngoài, nên chọn loại bánh phở dày và dai để khi quấn, chả sẽ không bị rách bục.

Đem bánh phở cắt đều, mỗi miếng có chiều ngang 2cm, dài 7cm, rải nhân lên rồi cuốn lại (hình dạng bên ngoài tùy thuộc vào cách quấn của từng người). Sau khi cuốn xong thì kẹp chả tôm vào những chiếc kẹp tre tươi rồi đem đi nướng trên than hồng, thường thì nên để 4 miếng trên một kẹp (gọi là một gắp).

Khi nướng, phải chú ý lật qua lật lại nhiều lần để miếng chả chín vàng, đều hai mặt, mùi thơm thật hấp dẫn. Chả chín bày ra đĩa sứ, cùng với một đĩa rau ghém đủ vị. Để tăng sự hấp dẫn của món ăn, người làm có thể trang trí xung quanh đĩa bằng những hình cắt thú vị từ củ hành, quả khế, miếng dứa hay lát cà chua sao cho bắt mắt, ngon miệng.

Chả tôm nên ăn lúc còn nóng, kèm với rau ghém, chấm vào bát nước mắm pha đủ vị, chua, cay, mặn, ngọt, có thể thêm chút dưa góp được làm từ đu đủ xanh hoặc dưa chuột. Vị ngọt mát của rau sống, vị giòn tan của chả tôm khiến các thực khách như vừa muốn ăn, lại vừa muốn giữ cái vị đặc trưng của chả tôm trên đầu lưỡi như sợ nó tan mất.

Trong tiết trời lạnh mùa đông, còn gì tuyệt vời hơn khi cùng nhau quây quần bên bếp than hồng để nướng chả tôm, tiếng “xèo xèo” của dầu mỡ cháy, mùi thơm nồng của “gắp” chả tôm và vị nồng nồng của bếp than hồng tạo nên cái thú rất riêng, đầy thú vị, mà có lẽ ai đã từng được thưởng thức sẽ không thể nào quên.

(Nguồn: VnExpress)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *