Văn hóa

Trống Đế

Trống Đế là nhạc khí gõ, họ màng rung của dân tộc Việt. Đúng như tên gọi, Trống Đế làm nhiệm vụ đế, có nghĩa là lót, là chỗ dựa, làm điểm xuyết cho diễn viên khi biểu diễn và ca hát.

Trống Đế có hai mặt hình tròn, đường kính khoảng 15cm, bưng bằng da nách của con trâu. Những nghệ nhân làm trống cho rằng da nách mỏng, dai và bền, đủ sức chịu đựng độ cǎng mặt trống. Tang trống cao khoảng 18cm, khoét từ một khúc gỗ mít (gọi là tang liền). Dùi trống làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 25cm, một đầu to, một đầu nhỏ.
Âm thanh Trống Đế nghe vui, cao, lảnh lót, hơi đanh nhưng gọn tiếng. Người ta đánh vào nhiều vị trí khác nhau trên trống đã tạo ra được nhiều âm thanh khác nhau:

- Đánh vào giữa mặt trống, tiếng trống nghe vang, ròn.
- Đánh vào mặt trống nhưng giữ nguyên dùi, âm thanh sẽ khô, xỉn.
- Đánh vào cạnh mặt trống nghe như tiếng phách.

Nhờ kết hợp tài tình các lối đánh ở mặt và tang trống, gây ra sự đối lập nhưng lại hài hòa về màu sắc, âm thanh.

Kỹ thuật diễn tấu:

- Ngón vê: Hai tay thay đổi nhau gõ thật nhanh và liên tục hai bên tang trống và trên mặt trống.
- Ngón nóc: Hai tay thay đổi gõ nhanh vào tang trống, nhưng thường là nǎm tiếng một, tiếng sau cùng có độ ngân bằng bốn tiếng đầu.

Trống Đế có ở Việt Nam từ lâu đời. Trống được coi là nhạc khí gõ cao âm quan trọng, không thể thiếu trong sân khấu chèo truyền thống. Ngoài ra, trống cũng được dùng trong một vài thể loại ca nhạc dân tộc khác như: ca trù, chầu vǎn... Nhưng không phổ biến.

Nguồn: Viện Âm Nhạc Việt Nam
http://vn-style.com/vim/

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *