Văn hóa

Chèo

Cái nôi của sân khấu chèo là Đồng bằng Bắc Bộ, địa bàn phổ biến là từ Nghệ Tĩnh trở ra.

Khởi đầu chèo bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ 11. Lúc đầu xuất hiện ở các làng quê, dần trở thành một loại hình sân khấu tiêu biểu của người dân đồng bằng Bắc Bộ.Xưa kia phường chèo do một ông trùm cầm đầu đi diễn ở các thôn, xã. Mỗi phường chèo chỉ khoảng mươi mười lăm người kể cả nhạc công mà bộ gõ chiếm vị trí quan trọng. Người đóng trò gồm đào, kép, lão, mụ, hề.

Có khi chỉ cần một đào, một kép, một hề xuất sắc là nổi đình nổi đám. Tính chất ước lệ của sân khấu chèo không chỉ thể hiện ở diễn xuất mà cả về trang trí. Chẳng có phông màn chỉ có một tấm vải nhuộm màu ngăn đôi buồng trò và sàn diễn. Hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt, đó là sân khấu chèo ở sân đình. Buổi diễn thường mở đầu bằng điệu hát vỡ nước, một hồi trống dung lên, một người ra giáo đầu, buổi diễn kết thúc có hát vãn trò và trống dã đám.

Chèo thuộc loại sân khấu tự sự (kể chuyện). Giữa người xem và người diễn có sự giao lưu khăng khít. Người xem dễ theo dõi. Cũng như sân khấu tuồng, ở đây trống chầu giữ vai trò đặc biệt. Trống chầu do một người có vai vế, uy tín hoặc tay sành sỏi điều khiển, để cầm trịch buổi diễn, để tỏ ý thưởng phạt, giám định diễn xuất của đào, kép.

Nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn chèo đậm màu sắc trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở chèo rất rõ nét. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập, được khẳng định. Các vở chèo cổ bao giờ cũng kết thúc có hậu theo truyền thống phương Ðông. Nhiều vở được xếp vào vốn quý của sân khấu cổ truyền dân tộc.

Từ khi ra đời đến nay, tiếng trống chèo vẫn có ma lực cuốn hút bao thế hệ khán giả, không kể tuổi tác, địa vị xã hội hay hay quốc tịch. Nhưng có giai đoạn sân khấu chèo đã trải qua những khó khăn tưởng chừng không đứng vững nổi. Giờ đây, sân khấu chèo đang được khôi phục nhằm giữ gìn và bảo tồn một loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

(Nguồn: www.vietnamtourism.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *