Tin du lịch

Thiếu đồng bộ, chưa bài bản

Năm 2013, du lịch Việt Nam đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế và đạt mức 35 triệu lượt khách nội địa; riêng trong 10 tháng năm 2014, lượng khách quốc tế đạt 6,6 triệu lượt, khách trong nước đạt 34,4 triệu lượt. Phải nói rằng đó là mức tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam có thể đạt được kết quả tốt hơn nếu quảng bá du lịch hiệu quả hơn.
Hiệu quả hạn chế

Theo ông Phạm Thế Phong, Giám đốc Trung tâm Vietnam Explore Holidays Vietrantour, hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài gần đây đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, vì kinh phí còn hạn chế nên hoạt động quảng bá chưa đồng bộ, dẫn đến nguồn lực bị phân tán và chỉ tiếp cận được một bộ phận nhỏ công chúng quốc tế. Nhiều khách du lịch trên thế giới vẫn chưa tiếp cận được thông tin về du lịch Việt Nam: nhiều người nước ngoài nghĩ Việt Nam vẫn là đất nước lạc hậu. Họ ít có thông tin về những điểm đến hấp dẫn, không hiểu rõ rằng chất lượng dịch vụ du lịch ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây.

 
Du khách nước ngoài tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Bá Hoạt
Du khách nước ngoài tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Bá Hoạt


Quảng bá du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhưng muốn tạo hiệu quả thì phải được thực hiện một cách bài bản. Lấy ví dụ, với thị trường Hàn Quốc, những năm gần đây lượng khách từ xứ sở Kim chi đến Việt Nam đã tăng rõ rệt, một phần là do hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường Hàn Quốc đã được đẩy mạnh bằng nhiều phương thức khác nhau thông qua hội chợ du lịch tổ chức tại Hàn Quốc, roadshow quảng bá du lịch Việt Nam, các bộ phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc với nhiều góc quay đẹp ở Việt Nam, đặc biệt là tổ chức những chuyến famtrip khảo sát du lịch, xây dựng chương trình truyền hình quảng bá du lịch Việt Nam của các công ty du lịch Hàn Quốc. Tuy nhiên, những hoạt động nói trên chưa đủ nhiều, hầu hết không được tiến hành một cách đồng bộ và bởi vậy, chưa thể đem lại hiệu quả lớn hơn.

Ông Ito Kazuhiro - Trưởng đại diện văn phòng Japan National Tourism Organization (JNTO) Bangkok nhận xét: "Hiện nay, về du lịch, Việt Nam mới chỉ giới thiệu nổi bật được hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, đa số người dân Nhật Bản mới chỉ biết đến hai thành phố này. Trong khi đó, tôi được biết rằng Việt Nam còn có nhiều địa danh đẹp khác như Huế, Đà Nẵng, Hội An... Đó là điều đáng tiếc!". Còn ông Kang Sungghil, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, mỗi năm Hàn Quốc có tới 15 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài. Trước mỗi chuyến đi, người Hàn Quốc thường tìm hiểu thông tin trên các trang tìm kiếm như Naver, Daum... Điều đáng chú ý là hiện giờ, trên các trang này, thông tin về du lịch Việt Nam còn rất khiêm tốn, chủ yếu là thông tin của một số công ty du lịch Hàn Quốc và thông tin cá nhân (blog). Bên cạnh đó, ngoài việc cung cấp thông tin về điểm đến đơn thuần, Việt Nam cũng chưa tạo ra các tiện ích cần thiết để du khách có thể đặt phòng, mua vé tàu xe… một cách dễ dàng, thuận tiện. Gần đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách "Cẩm nang về du lịch Việt Nam" bằng tiếng Hàn Quốc, tuy nhiên, thông tin còn hạn chế, chưa được cập nhật.
Nói về nguyên nhân của hiện trạng nói trên, ông Phạm Thế Phong khẳng định: "Nhìn nhận khách quan thì chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều vào hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam tại nước ngoài. Bởi nếu như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... chi khoảng 80 - 100 triệu USD/năm cho chiến dịch quảng bá du lịch thì tổng kinh phí dành cho Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia của Việt Nam chỉ vào khoảng vài triệu USD. Đó là sự khác biệt quan trọng".

Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc

Nói về kinh nghiệm phát triển du lịch của Hàn Quốc, ông Kang Sungghil cho biết, hiện tại, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc có 31 chi nhánh đặt tại 19 quốc gia. Tại các nước này, Hàn Quốc thông qua các cơ quan ngôn luận để thực hiện hoạt động quảng bá cho du lịch nước mình một cách đa dạng, mục tiêu nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân sở tại về Hàn Quốc với tư cách là một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Từ năm 1962, khi Tổng cục Du lịch được thành lập, Hàn Quốc đã bắt đầu công tác phát triển "ngành công nghiệp không khói" một cách cơ bản, bao gồm đào tạo nhân lực, xây dựng các khu du lịch, quảng bá du lịch Hàn Quốc ra nước ngoài, tổ chức các sự kiện du lịch tầm cỡ quốc tế, xây dựng hệ thống thông tin và truyền bá chúng ra thế giới... Hàn Quốc có cách quảng bá du lịch vô cùng sáng tạo, có lộ trình cụ thể, đồng bộ. Các bộ phim điện ảnh và truyền hình, những chương trình âm nhạc cũng góp phần vào việc lan truyền hình ảnh đất nước và con người Hàn Quốc ra nước ngoài, làm cho du khách háo hức đến với họ.

Nhìn chung, có thể thấy rõ ý đồ quảng bá du lịch của nhiều nước đã được thực hiện một cách sáng tạo, thiết thực. Như Nhật Bản, theo ông Ito Kazuhiro, ngoài những kênh quảng bá gián tiếp, thông qua phương tiện truyền thông, hoạt động xúc tiến của các công ty du lịch, nước này rất quan tâm đến kênh thông tin trực tiếp. Tại Nhật Bản, yếu tố quan trọng khiến du khách quyết định đi hay không đi tới một điểm đến nào đó ở nước ngoài là thông tin truyền miệng, bởi nó mang tính xác thực rất cao. Do vậy, một trong những cách quảng bá của Nhật Bản là mời những cơ quan báo chí quan trọng của nước ngoài hoặc những nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với công chúng đến Nhật Bản, cảm nhận thực tế và lan truyền thông tin tốt đẹp mà họ đã thu nhận được.

Theo ông Kang Sungghil, Việt Nam có vẻ đẹp độc đáo, sức quyến rũ du khách nhờ những hình ảnh tiêu biểu như áo dài, phở, Vịnh Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Sa Pa... Việt Nam cũng là một đất nước an toàn hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính vì vậy, chỉ cần có hình thức quảng bá du lịch bài bản, hệ thống cung cấp thông tin đầy đủ, đáng tin cậy, có phương tiện giao thông công cộng thuận tiện cho khách du lịch thì chắc chắn sẽ có nhiều du khách sẵn sàng tới hoặc quay lại thăm Việt Nam. Khi đó, mục tiêu đón 10 triệu, 20 triệu khách du lịch nước ngoài/năm sẽ trở thành hiện thực nhanh hơn dự kiến rất nhiều.

Nguồn: HNM

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *