Tin du lịch

Ra cù lao Chàm (Quảng Nam) khám phá hang yến

Nói đến yến, người ta nghĩ đến Khánh Hòa bởi đây được mệnh danh là xứ “rừng trầm, biển yến”. Tuy nhiên, ở miền Trung, ngoài Khánh Hòa, cù lao Chàm- Quảng Nam cũng là một nơi rất nhiều chim yến tập trung sinh sống.

Hàng chục năm trước, hang yến là vùng bất khả xâm phạm, nhưng nay, hang đã mở cửa để khách tham quan, tạo thêm điểm du lịch mới ở cù lao Chàm. Đến đây, du khách vừa khám phá nghề nuôi yến lấy tổ, vừa tìm hiểu việc thờ tổ nghề yến trên đảo.

 

Giã từ Cửa Đại đầy thơ mộng và quyến rũ của phố Hội, tàu lướt sóng đưa chúng tôi ra cù lao Chàm- vùng đất mang dấu tích của người cổ đại cách nay hàng ngàn năm và hàng trăm năm trước là cảng biển quan trọng giao du với phương Tây. Thay vì dừng lại khám phá vẻ đẹp viên mãn của cù lao này, chúng tôi lại tiếp tục ghép đoàn trên chuyến tàu khác để ra hang yến- một tour du lịch mới lạ, hấp dẫn với những trải nghiệm thú vị.

 

Từ xa xưa, hẻm núi của các đảo xung quanh cù lao Chàm đã có loài yến cư ngụ. Chúng làm tổ trên các vách đá, sâu trong khe núi. Người dân bản địa bất kể mạng sống, leo lên những vách đá cheo leo ấy lấy tổ yến dâng vua chúa. Và ngay từ khoảng thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã chú ý đến nghề yến khi phân bổ ông Hồ Văn Hòa làm “Quản linh tam tỉnh yến hộ”, quản lý hoạt động khai thác tổ yến ở Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa. Riêng Hội An, yến được khai thác chủ yếu ở các đảo nhỏ trong quần đảo cù lao Chàm, như: hòn Khô, hòn Tò Vò, hòn Lao...

 

Ra xa bờ, nhất là phía Đông hòn Lao, sóng to gió lớn. Con tàu nhấp nhô theo từng đợt sóng. Khu vực này không có những bãi cát trắng mịn màng như Cửa Đại hay cù lao Chàm. Thay vào đó là những khối đá ngàn đời hiên ngang, vững chãi trước mưa gió và sóng biển. Khách không khỏi trầm trồ trước những khe núi hiểm trở, nơi chim yến đến làm tổ, trú ngụ và sinh sản. Nhìn từ xa, hang yến chỉ là một khe nứt hẹp từ mặt biển lên đến gần đỉnh núi, cao đến hàng chục mét. Đến gần, mới thấy miệng hang rộng rãi. Chim yến từ biển bay vào đây làm tổ bằng nước miếng của mình rồi sinh và nuôi con cho đến khi chúng biết bay. Những người khai thác tổ yến phải ở lại hang nhiều tháng ròng để chăm sóc tổ. Người ta làm những giàn giáo bằng tre nối với nhau cao hàng chục mét lên tới miệng hang. Hằng ngày, họ leo lên giàn tre đó tiếp cận tổ, phun sương cho tổ ẩm, dễ khai thác. Công việc cực nhọc và nguy hiểm nhưng mỗi tổ khai thác được chỉ nặng khoảng 10 gram, thường khoảng 100-120 tổ mới được một kg. Mỗi kg tổ yến có giá hàng chục triệu đồng; loại tốt có khi giá lên đến 2-3 lượng vàng.

 

Du khách tự do khám phá hang yến và tìm hiểu về nghề truyền thống hàng trăm năm của xứ cù lao. Những giàn giáo bằng tre để thợ chăm sóc tổ, khai thác yến không khỏi khiến du khách “lạnh lưng” bởi tính mạo hiểm và bất trắc của nghề này. Nhiều công nhân khai thác yến tâm sự: Phụ nữ lấy chồng làm nghề yến cũng như lấy chồng đi biển, “hồn treo cột buồm”. Trước đây, cuộc sống của thợ khai thác yến ở hang yến rất buồn do tách biệt với môi trường xung quanh. Từ khi hang yến được đưa vào khai thác du lịch, ngày nào cũng có vài đoàn ghé thăm. Khách du lịch thường trò chuyện, hỏi về chuyện đời, chuyện nghề của công nhân nên các anh cảm thấy rất vui và tự hào với công việc của mình.

 

Vẫn còn một hang yến khác, hiểm trở kỳ vĩ hơn. Ngược hướng về bãi Hương- bãi Làng, du khách ghé thăm hang Tai- nơi có sản lượng khai thác yến cao nhất trên đảo cù lao Chàm. Tại đây, du khách có thể leo núi xem chim yến, tắm biển, lặn nông (lặn cạn, không cần khí tài) để chiêm ngưỡng thế giới muôn màu, muôn vẻ của các loài san hô. Quay lại cù lao Chàm, đến bãi Hương, khách được đưa đến viếng miếu thờ tổ nghề yến. Lịch sử hình thành nghề, miếu tổ và những câu chuyện kể về các bậc tiền hiền, khai cơ lập nghiệp mang đến cho khách nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là đạo lý sống nhân ái yêu thương của cư dân làng đảo. Tại bãi Hương, du khách còn có thể trải nghiệm cuộc sống của làng nghề chài lưới qua loại hình du lịch homestay hoặc lang thang trên các ngả đường lộng gió biển. Và du khách cũng không nên bỏ qua cơ hội khám phá vẻ đẹp hoang sơ của bãi Nần, bãi Xếp, bãi Ruộng bên cạnh những bãi vốn đã nổi tiếng như bãi Ông, bãi Chồng, bãi Bấc./.


Nguồn: báo Cần Thơ

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *