Tin du lịch

Hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp thị trường mục tiêu

Ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp thị trường mục tiêu du lịch Việt Nam trên cơ sở khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch, khai thác đặc trưng du lịch 7 vùng du lịch Việt Nam.

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013-2020.

Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình gồm Ngân sách trung ương; Ngân sách địa phương; Đóng góp của các doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp khác (tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân) để hỗ trợ nguồn lực ngân sách nhà nước triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Thông tư quy định, ngân sách trung ương thực hiện chi cho công tác nghiên cứu, tổ chức điều tra, thu thập thông tin về thị trường khách du lịch nội địa, thị trường khách du lịch quốc tế; Tổ chức truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch hình ảnh điểm đến Việt Nam; phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tổ chức chương trình, sự kiện giới thiệu, quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam, phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tổ chức chương trình phát động thị trường, tổ chức chương trình gặp gỡ Hội người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai chiến dịch quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam thông qua hệ thống nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài; đón các đoàn nhà báo, các hãng lữ hành nước ngoài và giới chuyên môn du lịch nước ngoài tham quan, khảo sát để viết bài tuyên truyền về du lịch Việt Nam.

Ngân sách trung ương cũng chi cho việc sản xuất và vận chuyển các ấn phẩm và vật phẩm tiêu biểu để quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam và các sản phẩm du lịch tiêu tiểu của Việt Nam; tổ chức truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam thông qua các diễn đàn quốc tế, sự kiện có tính chất quốc tế; chi tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và các hệ thống thông tin, báo chí nước ngoài cũng như việc tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý du lịch và các công tác liên quan đến du lịch tại các cơ quan Trung ương và các địa phương...

Ngân sách địa phương chi cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch địa phương; Tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch của địa phương; Tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và các hệ thống thông tin, báo chí nước ngoài; Nghiên cứu đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của địa phương…

Nội dung chi từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp gồm việc in ấn các ấn phẩm giới thiệu hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp; quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của doanh nghiệp…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2014.

Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 321/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2015 thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 36-37 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD. Đến năm 2020 số khách quốc tế tăng lên 10-10,5 triệu lượt, phục vụ 47-48 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch tăng lên 18-19 tỷ USD.

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *