Tin du lịch

Du lịch biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và hướng phát triển

Du lịch biển đảo ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới, với nhiều tiềm năng ở Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

 

* Giàu tiềm năng

 

Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt…

 

Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Và có tới 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang.

 

Về mặt hành chính, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các địa phương có biển, với diện tích tự nhiên là 126.747 km2, dân số (năm 2010) là 37,2 triệu người, bằng 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước.

 

Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên…

 

Ngoài ra, từ bao đời nay, biển đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử-văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.

 

Biển trong xanh và yên bình thu hút nhiều du khách đến với Điệp Sơn (Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN)

 

* Phát huy lợi thế

 

Nắm bắt thế mạnh trên, thời gian qua, nhiều khu du lịch biển tiềm năng đã được quy hoạch và đầu tư phát triển như: bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); bãi biển Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)...

 

Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4-5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).

 

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đã được đưa vào hoạt động như: chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền bãi biển… Đặc biệt, loại hình ngắm biển bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình (ở biển Nha Trang, Đà Nẵng) hay bằng máy bay trực thăng (ở vịnh Hạ Long) đang được rất nhiều khách du lịch yêu thích.

 

Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Hoạt động du lịch biển đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.

 

Các sản vật địa phương liên quan đến biển cũng theo đó mà phát triển thành thương hiệu, đậm dấu ấn địa phương, góp phần đáng kể vào việc phát triển sản phẩm gắn với các tour du lịch. Có thể kể đến một số sản phẩm nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, tỏi Lý Sơn, yến sào Nha Trang, mật ong rừng Cát Bà...

 

Việc du lịch biển, đảo Việt Nam có lượng du khách lớn, đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Đến năm 2015, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch biển, đảo đã có ở 23 tỉnh/thành phố của cả nước, chiếm trên 70% số các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án của tập đoàn Platinum Dragon Empire (Mỹ) phát triển khu du lịch vui chơi giải trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn lên đến 550 triệu USD; dự án đầu tư của Tập đoàn Rockingham (Anh) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và các khu vui chơi giải trí, trường đua ô tô 1.000 ha tại Phú Quốc, quy mô dự án lên đến 1 tỷ USD…

 

Du lịch biển phát triển cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội dải ven biển, nơi hiện có khoảng 21,2 triệu người trong độ tuổi lao động và góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.

 

* Để làm giàu từ biển

 

Việc phát triển mạnh mẽ của du lịch biển đảo trong những năm qua, đã mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển nhiều địa phương trong cả nước.

 

Song theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn của du lịch biển, đảo Việt Nam. Thực tế cho thấy, du lịch biển, đảo ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Dịch vụ du lịch còn thiếu, nghèo nàn; sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; an ninh trật tự và việc quản lý giá tại một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh…

 

Nhằm khắc phục những hạn chế cũng như tạo sức bật cho du lịch biển, đảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, du lịch biển sẽ trở thành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Đề án cũng đề ra mục tiêu vào năm 2020, du lịch biển thu hút 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch biển đạt 200.000 tỷ đồng.

 

Các chuyên gia cũng nhận định, việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo là một định hướng đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam và mang ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, để du lịch biển đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và tạo được thương hiệu riêng thì ngoài việc phải khắc phục những hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua, cần có sự đầu tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người cho các trung tâm du lịch biển đảo đã được xác định. Đặc biệt, cần phát huy yếu tố văn hoá của từng địa phương trong phát triển du lịch biển để tạo dấu ấn riêng và thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần./.

 

Nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa - TTXVN

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *