Thắng cảnh

Rừng Lâm Đồng

Lâm Đồng có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 676.236ha. Đặc điểm quan trọng nhất của sự phân bố tài nguyên rừng ở Lâm Đồng là sự phát triển cảnh quan rừng thông thuần loại trên những khu vực rất rộng lớn, lớn hơn bất kỳ vùng nào trên đất nước ta, đã tạo nên một nét riêng cho mảnh đất cao nguyên này. Chính nó đã tạo ra cho địa phương thế mạnh phát triển du lịch núi, du lịch sinh thái. Ngoài ra, Lâm Đồng còn có Vườn quốc gia Bi Đúp – Núi Bà và một phần Vườn quốc gia Cát Tiên.

RỪNG THÔNG ĐÀ LẠT

Từ lâu, nhiều người đã biết đến Đà Lạt qua các sản phẩm: rau hoa Đà Lạt và du lịch Đà Lạt. Ai chưa có dịp đến Đà Lạt cũng hình dung thành phố này có nhiều biệt thự xinh đẹp, có khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiều danh thắng, phong cảnh nổi tiếng, bao quanh là rừng thông trùng điệp.

Rừng thông Đà Lạt giữ vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn hệ thống sông ngòi, hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện: hồ Suối Vàng, Tuyền Lâm, Đa Nhim, Đại Ninh,… Rừng thông bảo vệ môi trường sống, duy trì ổn định, cân bằng sinh thái. Một ha rừng thông trong 1 năm sản xuất được 5 – 7 tấn oxy, làm trong sạch 18 triệu m3 không khí, giữ lại 30 – 70 tấn bụi và hấp thụ 3 – 7 tấn CO2.

Trước 1990, rừng thông Đà Lạt hàng năm vẫn khai thác 30 – 50.000m3 sản phẩm gỗ thông các loại và 1.500 – 2.000 tấn nhựa thông. Từ 1990, nhiệm vụ chính của các đơn vị quản lý rừng ở đây là: trồng, bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, làm giàu rừng. Gần 10 năm qua, khu vực này đã trồng được hơn 5.000ha. Trên địa bàn huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt, diện tích đất trống lâm nghiệp cơ bản đã được trồng hết. Trong công việc tỉa thưa, nuôi dưỡng, vệ sinh rừng, sản phẩm gỗ thông lấy ra được dùng trong xây dựng, là nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp: điện, sơn, giấy, hóa chất, dược, cao su, mỹ nghệ.

Thông được chọn làm cây trồng phủ xanh đất trống trên vùng núi cao trung bình có khí hậu á nhiệt đới, mọc được ở nơi đất cằn xấu. Nếu đủ nguồn giống, thông có khả năng tái sinh mạnh mẽ nơi đất được dọn sạch và tầng đất mặt tơi xốp, và phòng giữ được lửa cháy trong giai đoạn cây non. Chi phí tái sinh tự nhiên chỉ bằng ½ chi phí trồng rừng. Tái sinh tự nhiên thuận lợi cho rừng thông thuộc đối tượng phòng hộ, đặc dụng.

Trung tâm phân bố rừng thông Đà Lạt có độ cao trung bình 1.200m so với mặt biển, nhưng vì cách biển 80km, nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất chỉ 16 – 200C, thuộc khí hậu vùng á nhiệt đới. Biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm trung bình là 90C. Đà Lạt có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Độ ẩm trung bình các tháng trong năm 83,8%, các tháng trong mùa mưa độ ẩm trung bình 85%, trong 3 tháng: 1, 2, 3 mùa khô, độ ẩm dưới 80%, nhưng không tháng nào dưới 75%. Trong năm có khỏang 80 ngày có sương mù, tập trung vào các tháng 2, 3, 4, 5. Khí hậu Đà Lạt ôn hòa, mát mẻ quanh năm thuận lợi cho khách du lịch.

Hồ Dankia và hồ Tuyền Lâm nằm trong 79 vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia nhằm mục đích bảo tồn loài chim nước quý hiếm và các loài cá nước ngọt cao nguyên Đà Lạt.

Rừng thông Đà Lạt bao trùm hầu khắp cao nguyên Lang Biang gồm thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đam Rông, một phần huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Phần còn lại, trên các đỉnh núi cao và ven khe là rừng lá rộng hỗn giao nhiều loài.

Việt Nam có 6 loài thông tự nhiên thì rừng thông Đà Lạt có 5 loài: thông 3 lá, thông 2 lá, thông 5 lá, thông 2 lá dẹp, thông tô hạp thuộc họ Thông (Pinaceae); thông đỏ thuộc họ Thanh tùng (Taxaceae); trong đó thông 2 lá dẹp là loài đặc hữu hẹp và rất hiếm.

Rừng thông Đà Lạt có diện tích khoảng hơn 100.000ha, hơn 90% là thông 3 lá mọc thuần loại. Các loài thông còn lại mọc hỗn giao với thông 3 lá hay cây lá rộng như dầu trà beng, kháo, giẻ,…

(Nguồn: dalat.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *