Thắng cảnh

Núi Thần Ðinh

Núi Thần Ðinh, Quảng Bình là dãy núi ở miền tây Quảng Bình. Nơi đây có vẻ đẹp hùng vĩ của một bức tranh sơn thủy. Du khách đến thăm Quảng Bình có thể ghé thăm núi Thần Ðinh, nơi vốn nổi tiếng "lắm tiên nhiều Phật", "núi Thần Ðinh chót vót, khí thế nuốt phăng phăng bốn trăm châu" (Ô châu cận lục).

Từ bao đời nay, Thần Ðinh trường tồn sừng sững như chiếc bình phong khổng lồ chở che bao bọc cho những con người lao động cần cù chịu khó ở miền tây Quảng Bình.

Từ thành phố Ðồng Hới, theo hướng tây nam, khoảng 30 km, đến bến phà Long Ðại (huyện Quảng Ninh), có thể ngược dòng bằng thuyền để cảm nhận hết vẻ đẹp hùng vĩ của quần thể di tích núi Thần Ðinh. Giữa bập bềnh mênh mông sóng nước, những cảnh đẹp của núi Thần Ðinh dần hiện ra trước mắt như một bức tranh sơn thủy...

Quần thể di tích núi Thần Ðinh, không chỉ có ý nghĩa nhiều mặt tâm linh, địa lý, lịch sử. Chiến lũy Trường Dục của Ðào Duy Từ đã dựa vào thế hiểm yếu và được bắt đầu từ chân núi Thần Ðinh.

Người dân nơi đây kể lại, núi Thần Ðinh còn có tên là núi Chùa Non, vì ngày trước trên núi có một ngôi chùa mang tên chùa Non, gắn liền với tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Kinh, Vân Kiều anh em quen sống với nghề đi rừng và trồng trọt.

Ghé thuyền vào Bến Chùa, đi thêm khoảng vài trăm mét về phía tây là đến chân núi Thần Ðinh. Ngước mắt lên ta thấy núi chót vót... Theo những bậc đá lên cao hai bên sườn núi, ta bắt gặp ngôi chùa Hang thiên tạo bằng đá. Trước cửa hang có hai hang nhỏ mang tên hang Chuông và hang Trống. Khi gõ nhẹ vào vách đá, có những âm thanh trong trẻo như tiếng trống đánh, chuông ngân. Nhìn kỹ và tưởng tượng, ta sẽ thấy những nhũ đá thật giống với những chiếc chuông, chiếc trống...

Ði vào chùa Hang, du khách có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Trần động có nhiều nhũ đá rủ xuống hình chiếc lộng vàng, hình voi chầu, ngựa phục.

Rời chùa Hang, du khách tiếp tục bước theo các bậc đá và lên núi Thần Ðinh. Dấu tích của chùa Kim Phong linh thiêng như vẫn còn đâu đây. Theo thư tịch cổ, vào đời Hậu Lê, chùa có tám gian. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), sư Trần Gia Hội (chùa Thiên Mụ - Huế) đã dựng tạm một ngôi chùa tranh tre để tu hành. Bốn năm sau, hưu quan Lê Văn Trúc đã cho xây dựng bậc đá lên chùa và lợp thêm ngói, sửa sang lại chùa. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Kim Phong Tự nay chỉ còn là dấu tích, nhưng hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, cư dân và du khách vẫn thường xuyên ra thắp hương cầu cho cuộc sống an lành, no ấm...

Bước lên đỉnh núi Thần Ðinh khi trời đã về chiều, du khách tha hồ phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn bản làng của các dân tộc Kinh, Vân Kiều. Rời núi Thần Ðinh có thể ghé thăm hang Rào Trù - một nơi đóng quân trong những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Sau một ngày tham quan, buổi tối du khách có dịp ghé thăm những gia đình người Vân Kiều, người Kinh mến khách. Bên bếp lửa hồng ta được thưởng thức đậu phộng rang Trường Xuân, bắp nướng Rào Ðá, nhấp chén rượu Võ Xá, thưởng thức thịt dê núi, thịt bò núi Thần Ðinh.

(Nguồn tin: Báo Nhân Dân)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *