Thắng cảnh

Núi Hồng Lĩnh

Núi Hồng Lĩnh: Núi Hồng Lĩnh có tên nôm là Ngàn Hống hay Rú Hống, tên chữ là Hồng Sơn hay Hồng Lĩnh. Núi trải rộng chừng 30km2 thuộc TX Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc và Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Núi có toạ độ từ 105041’ đến 105055’ kinh Đông và từ 18028’ đến 18039 vĩ Bắc. Mạch núi, chạy theo hướng Tây Bắc đến Đông Nam, từ Nam Bến Thuỷ vào tận Bắc Cửa Sót.

Cảnh quan:
Hồng Lĩnh, có 3 nhóm núi: nhóm Thiên Tượng và nhóm Đụn ngăn cách nhau bởi truông Cộng Khánh, nhóm Hương Tích ngăn cách nhóm Đụn bởi truông Eo Bầu. Từ xa xưa, Hồng Lĩnh đã được xếp vào danh sách 21 thắng cảnh của nước Nam, được khắc tên vào “anh đỉnh” tại cố đô Huế vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836 ).

Núi Hồng có 99 đỉnh, mỗi đỉnh có những cái tên gắn với hình thù, dáng núi như Thiên Tượng (voi trời), Ngũ Mã (5 ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng..., hoặc có đỉnh được đặt tên theo truyền thuyết cổ tích, theo danh nhân như Rú Cơm, Rú Cà, Hương Tích, Lão Quân, Trần Soa, Liệt Sơn..., đỉnh cao nhất 678m so với mặt biển.
Trong núi, có nhiều hang động như: động 12 cửa, động Chẻ Hai, động Đá Hang, động Hàm Rồng. Có đến 26 khe suối, chảy từ trong núi ra và ngày nay, có hàng mấy chục đập nước ở chân Hồng Lĩnh, một số ao hồ ở lưng núi và chân núi như Bàu Tiên, Vực Nguyệt, ao Núi Lân, bàu Mỹ Dương.
Tài nguyên ở Hồng Lĩnh, có rừng thông hơn 11.000 ha do lâm trường Hồng Lĩnh quản lý, rừng phòng hộ theo dự án 327 ngày một phủ xanh đồi trọc. Cùng với rừng cây, thì chim muông về theo, ngày càng đông đúc hơn.

Nổi tiếng của Hồng Lĩnh là bề dày của các di sản lịch sử văn hoá, từ các di tích như: đền Trang Vương, chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng. Đến các dấu tích lịch sử như: đỉnh Tháp Cờ nơi hoàng tử, con Mai Thúc Loan xây căn cứ, núi Lầu có hành cung của Lý Thánh Tông, luỹ đá của Ngô Quảng nổi lên chống Pháp và nhiều huyền thoại truyền thuyết li kỳ.

TRUYỀN THUYẾT:
Tương truyền, có một ông khổng lồ (tên gọi là ông Đùng) đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ Lam giang và La giang đem về đây xếp thành dãy Hồng Lĩnh. Cũng chính ông Đùng đã đào quặng sắt ở trong các ngọn núi đem đến làng Vân Chàng và Minh Lương dạy cho dân làm nghề rèn - một nghề truyền thống vẫn còn lại đến ngày nay. Cũng có truyền thuyết, xưa kia, khi Dương Vương mở nước đến vùng này, ông dạo chơi xem phong cảnh và đã chọn Hồng Lĩnh làm kinh đô. Tại đây, Dương Vương đã kết duyên cùng Thân Long và sinh ra Long Vương (Lạc Long Quân).
Một truyền thuyết khác kể rằng, vua Sở Trang Vương ở Trung Quốc có ba công chúa là: Diệu Ân, Diệu Duyên và Diệu Thiện. Khi họ trưởng thành, theo ý Vua cha, hai Công chúa lớn đi lấy chồng, là những quan lớn trong triều đình. Nhà vua dự định, gả công chúa út Diệu Thiện cho một viên quan võ. Nhưng gặp phải ông quan ngang tàng, độc ác, chuyên ức hiếp dân lành, công chúa Diệu Thiện không tuân lệnh, bị vua cha ruồng rẫy, phẫn chí, nàng bỏ Hoàng cung đi ẩn mình nơi cửa Phật. Viên quan võ theo lệnh Vua đã cho người truy tìm tới nơi ở của nàng và phóng hỏa đốt chùa. Nhưng ni cô Diệu Thiện, đã được Đức Phật che chở. Phật sai Bạch Hổ đưa nàng sang trốn ở xứ Việt Thường Thị. Đến một hang động, trên một trong 99 đỉnh núi Hồng hoang vu, hiểm trở, đường lên quanh co, qua đèo cao, suối sâu, nàng ở lại dựng am tu hành. Ni cô Diệu Thiện từ tâm quảng đại, linh cảm, đại từ, đại bi nổi tiếng khắp vùng. Chẳng bao lâu sau đó, ni cô đắc đạo thành Phật. Từ đó, cứ mỗi độ xuân về, dân khắp cả nước đổ về núi Hồng, tới Am thánh mẫu cầu tự, cầu phúc, cầu an, giải hạn.

(nguồn: www.saigontoserco.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *